Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 266

Tổng lượt truy cập: 269.022

Ngày 25/11/1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị kháng chiến, kiến quốc, vạch rõ phương hướng chiến lược toàn diện của quân và dân cả nước trong điều kiện kháng chiến ở miền Nam đã mở rộng, cuộc đấu tranh chống quân Tưởng và tay sai ở miền Bắc bước vào giai đoạn quyết liệt. Thường vụ Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ lớn của cách mạng Việt Nam lúc này là: cũng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

I. GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢNG TRỊ TRƯỚC NGÀY KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC (TỪ THÁNG 8/1945 ĐẾN THÁNG 12/1946)

          Ngày 25/11/1945, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị kháng chiến, kiến quốc, vạch rõ phương hướng chiến lược toàn diện của quân và dân cả nước trong điều kiện  kháng chiến ở miền Nam đã mở rộng, cuộc đấu tranh chống quân Tưởng và tay sai ở miền Bắc bước vào giai đoạn quyết liệt. Thường vụ Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ lớn của cách mạng Việt Nam lúc này là: cũng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Trong thành phần Chính phủ có Bộ Giao thông công chính do kỹ sư Đào Trọng Kim - một nhân sỹ yêu nước làm bộ trưởng. Ngày 02/03/1946, Quốc hội khoá đầu tiên lập ra Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Quốc hội đã lập ra các bộ, trong đó có Bộ Giao thông công chính do kỹ sư Trần Đăng Khoa làm bộ trưởng.

          Ở Quảng Trị, trong phiên họp đầu của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa I (tháng 02/1946) đã cử ông Ngô Trọng Hy - uỷ viên Uỷ ban hành chính Tỉnh làm Trưởng ty Giao thông - Bưu điện. Một số tham sự, cán sự của Sở Lục lộ cũ được chính quyền cách mạng trọng dụng.

          Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) và cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế nói chung và ngành Giao thông vận tải nói riêng trong cả nước cũng như Quảng Trị. Ngoài hệ thống đường bộ như quốc lộ 1, quốc lộ 9, đường sắt xây dựng từ trước, thời gian này thực dân Pháp không còn đầu tư xây dựng ở thuộc địa vì bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh; mặt khác ở Việt Nam thường bị thiên tai, bão lụt, bị máy bay của phe đồng minh oanh tạc (nơi có phát xít Nhật chiếm đóng) làm cho hệ thống giao thông đường bộ bị hư hỏng nặng nề.

          Bởi thế, mạng lưới giao thông vận tải lúc này yếu kém về chất lượng, hụt hẫng về đầu tư. Nhìn chung, năng lực giao thông vận tải ở Quảng Trị cũng như nhiều nơi khác chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi trong việc xây dựng và bảo vệ chế độ mới.

          Xuất phát từ quan điểm: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được sự hướng dẫn của Bộ Giao thông công chính và dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban hành chính Tỉnh, ngành Giao thông vận tải - Bưu điện Tỉnh đề ra nhiệm vụ: trước mắt tập trung lực lượng sửa chữa các tuyến đường lớn: quốc lộ 1, quốc lộ 9 và một số đường nội tỉnh từ tỉnh lỵ, huyện lỵ đi các vùng... Về phương tiện vận tải: chủ yếu dựa vào các loại thuyền, một số ô tô chở hành khách, ô tô vận tải của một số tư nhân.

          Ngoài các loại phương tiện trên, nhân dân cũng như các cơ quan nhà nước đều phải dùng các loại xe thô sơ như xe bò, xe ba gác và phổ biến là dùng sức người gánh gồng, mang, gùi...

          Sau khi tiếp nhận bộ máy và cơ sở vật chất của chế độ cũ để lại, anh chị em cán bộ, công nhân ngành Giao thông vận tải - Bưu điện Tỉnh tổ chức triển khai công tác chuyên môn, làm thủ tục cấp giấy cho các chủ phương tiện xe, thuyền trên các tuyến đường bộ, đường thuỷ kịp thời phục vụ dân sinh, kinh tế an ninh quốc phòng. Các nhân viên kỹ thuật, công nhân giao thông tiếp tục quản lý, bảo vệ, sửa chữa đường, cầu, cống nhà ga, bảo đảm các trục đường chính thông suốt; nhân viên bưu điện ở tất cả các trạm trong Tỉnh tiếp nhận, chuyển phát công văn báo chí, điện tín của Đảng, Nhà nước nhanh chóng, chính xác, an toàn.

          Ngày 23/09/1945, quân Pháp gây hấn ở Sài Gòn. Chính phủ ta ra huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ, đồng thời kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến ở miền Nam, quyết định thành lập lực lượng Nam tiến, đưa ngay vào tham gia chiến đấu ở miền Nam.

          Hoà nhập với phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến - phong trào cả nước ra trận sôi nổi chưa từng có, ngành Giao thông vận tải Quảng Trị khẩn trương huy động phương tiện vừa vận chuyển lực lượng bộ đội Nam tiến, vừa vận chuyển bộ đội, vũ khí phục vụ Chi đội giải phóng quân Thiện Thuật (Quảng Trị). Chi đội giải phóng quân Lê Trực (Quảng Bình) đang chiến đấu với một tiểu đoàn bộ binh, cơ giới của Pháp (do tên đại tá Tuốc-canh chỉ huy) ở mặt trận miền Tây đường 9.

          Ngày 28/02/1946, Tưởng Giới Thạch ký với Pháp một hiệp ước để cho quân Pháp thay thế quân Tưởng chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra.

          Trước tình hình đó, để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng đối phó với thực dân Pháp, đồng thời loại bớt cho cách mạng một kẻ thù nguy hiểm là Tưởng Giới Thạch, ngày 06/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta ký với Xanh-tơ-ny - đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ.

          Thực hiện Hiệp định sơ bộ, Ty Giao thông - Bưu điện Quảng Trị bố trí cán bộ, công nhân viên trong Ngành cùng với một tiểu đoàn của Trung đoàn Thiện Thuật do đồng chí Đoàn La chỉ huy, làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh bảo vệ đường 9, đường sắt, tạo điều kiện thuận lợi cho quân Pháp từ Hạ Lào về Huế, cho quân Tưởng từ Đà Nẵng, Thừa Thiên, Quảng Trị ra Hà Nội và rút khỏi nước ta.

          Trước khả năng hoà hoãn giảm dần, khả năng chiến tranh lan rộng tăng lên, ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Chính phủ Pháp một bản Tạm ước. Tác dụng quan trọng của bản Tạm ước là tăng thêm thời gian hoà hoãn để ta tiếp tục chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước; đồng thời để cho nhân dân thế giới thấy rõ thiện chí của ta và dã tâm xâm lược của Pháp.

          Ở Quảng Trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, toàn thể cán bộ công nhân viên Ty Giao thông - Bưu điện cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước khẩn trương xây dựng thực lực, tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ nhất (tháng 6/1946), các đội tự vệ thuộc Ty Giao thông - Bưu điện Tỉnh tăng cường luyện tập quân sự, sẵn sàng phối hợp với lực lượng bộ đội, công an giữ gìn trật tự an ninh trong cơ quan, đơn vị, bảo vệ các tuyến đường 1, 9, đường sắt, các tỉnh lộ... Ngành Giao thông vận tải Tỉnh đã cử đồng chí Nguyễn Công Thiêm cùng đồng chí Phạm Vọng (Phó Trưởng ty Giao thông công chánh Quảng Bình) tham gia với đoàn cán bộ giao thông của khu IV và của Bộ Giao thông công chính khảo sát đường xuyên qua vùng gò đồi, rừng núi từ Hà Tĩnh đến Hoà Mỹ - Thừa Thiên. Cụ thể là xuyên qua các vùng Bồng Lai (Tuyên Hoá), Sen Bàng, U Bò (Bố Trạch), Thuỷ Ba, Bến Tắt (Vĩnh Linh), Cùa (Cam Lộ), Trấm (Triệu Phong), Khe Mương (Hải Lăng). Trục đường này về sau ngày càng được củng cố, bảo vệ và phát huy tác dụng, góp phần đắc lực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không những ở Bình Trị Thiên mà còn cho cả khu vực Trung Bộ...

          Ngày 19/12/1946, lệnh toàn quốc kháng chiến được phát đi trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cán bộ công nhân viên Ty Giao thông vận tải - Bưu điện Quảng Trị cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước hướng về Trung ương Đảng và Chính phủ, xiết chặt đội ngũ, mài sắc ý chí sẵn sàng đứng lên chiến đấu, mở đầu một giai đoạn mới - giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai.

 

II. GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢNG TRỊ PHỤC VỤ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ CAN THIỆP CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (20/12/1946 - 20/7/1954)

1. Giao thông vận tải Quảng Trị phục vụ các năm đầu kháng chiến (1947 - 1948)

          Từ những ngày cuối tháng 12/1946 trở đi, mọi hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều diễn ra hết sức khẩn trương, sôi nổi suốt cả ngày lẫn đêm. Lực lượng vũ trang cách mạng triển khai thế trận đánh địch. Trên đường 1, đường 9 lúc nào cũng có hàng trăm, hàng ngàn người dân cùng lực lượng vũ trang đào hầm, đắp ụ, dựng chướng ngại vật, phá cầu, cống, cắm cọc ngăn sông Hiếu (đoạn Cửa Việt - Gia Độ)... gấp rút hình thành các tuyến phòng ngự ở biên giới (giữa Quảng Trị - Sa-va-na-khẹt, Lào) quanh thị xã tỉnh lỵ, thị trấn huyện lỵ, phá hoại những nơi mà địch có thể lợi dụng để đóng đồn bốt, trú quân. Nhân dân không chỉ góp sức phá cầu, đường... mà còn tự động đốt phá, đánh sập ngôi nhà của chính mình, nơi đã mang dấu ấn biết bao kỷ niệm của từng thành viên trong gia đình.

          Ban Giao thông công chính Tỉnh do đồng chí Hoàng Công Thiên phụ trách đã cùng với cán bộ giao thông ở các huyện, thị vừa tham gia kế hoạch phá cầu đường, vừa khẩn trương phá tổ chức, hình thành các tuyến giao thông liên lạc mới, kịp thời phục vụ bộ đội hành quân, việc đi lại của cán bộ, nhân dân; đồng thời tổ chức các trạm tiếp nhận và chuyển giao công văn, báo chí, tờ trình của các cơ quan Đảng, Nhà nước... góp phần cùng với Ban Giao thông công chính của Thừa Thiên, Quảng Bình, giữ vững giao thông liên lạc giữa các tỉnh, các khu.

          Cán bộ giao thông còn làm nhiệm vụ dẫn một số cán bộ công nhân của xưởng Đội Quyên (xưởng sửa chữa và sản xuất vũ khí của Tỉnh) ra khu IV, xin Uỷ ban kháng chiến khu IV bổ sung máy móc, dụng cụ...; mặt khác, làm nhiệm vụ di chuyển xưởng Đội Quyên từ Như Lệ (Hải Lăng) ra Hảo Sơn (Gio Linh), trong đó có một bộ phận công nhân và máy móc đưa xuống thuyền di động dọc sông Thạch Hãn, trực tiếp phục vụ lực lượng vũ trang ta ở mặt trận thị xã Quảng Trị.

          Sau ngày bị giặc Pháp chiếm đóng, mạng lưới giao thông liên lạc của Tỉnh được xây dựng, hình thành trước khi nổ ra chiến tranh đều bị ngừng trệ. Các tuyến vận tải và liên lạc bằng phương tiện cơ giới, hữu tuyến theo các quốc lộ 1, quốc lộ 9, đường sắt đều bị địch chiếm hoặc phá bỏ. Việc giao thông liên lạc giữa các địa bàn trong Tỉnh, giữa tỉnh Quảng Trị với khu IV bị xáo trộn, có khi bị ách tắc.

          Thực tiễn giao thông vận tải lúc này là: một mặt tiến hành các biện pháp “Tiêu thổ kháng chiến” nhằm ngăn chặn bước tiến của giặc Pháp; mặt khác phải tổ chức xây dựng, khôi phục các tuyến giao thông vận tải nhằm phục vụ kháng chiến.

          Xuất phát từ quan điểm đó, ngày 14/4/1947, Tỉnh uỷ mở hội nghị tại Teng Teng (vùng núi Triệu Phong). Sau khi nhận định tình hình, bàn biện pháp đối phó, quyết định thành lập các chiến khu để ổn định địa điểm làm việc của cơ quan lãnh đạo; Tỉnh uỷ còn có Nghị quyết về việc củng cố mạng lưới giao thông liên lạc phục vụ kháng chiến. Tỉnh uỷ chỉ thị cho các cấp uỷ (huyện, xã) trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ mạch máu giao thông liên lạc. Bí thư hoặc một cấp uỷ viên trực tiếp phụ trách công tác giao thông liên lạc.

          Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, vùng khu IV Thanh - Nghệ - Tĩnh là hậu phương trực tiếp của Bình - Trị - Thiên, có nhiệm vụ tổ chức giao thông liên lạc, tiếp tế vận tải cho tiền phương Bình - Trị - Thiên.

         Thực hiện nhiệm vụ đó, Khu uỷ khu IV đã tổ chức cơ quan tiếp vận Liên khu do đồng chí Đinh Văn Đức, khu uỷ viên phụ trách, trụ sở cơ quan đóng tại Đức Thọ (Hà Tĩnh). Việc vận chuyển hàng từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh vào chiến trường Bình - Trị - Thiên do lực lượng dân công hoả tuyến của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đảm nhiệm.

          Bên cạnh cơ quan tiếp vận là Ban Kinh tài. Ban Kinh tài có nhiệm vụ tổ chức khai thác thu mua hàng hoá ở vùng địch và vùng tự do khu IV, cung cấp cho kháng chiến.

          Thực hiện chủ trương của Khu uỷ và Nghị quyết của Tỉnh uỷ (tháng 4/1947), Uỷ ban kháng chiến tỉnh Quảng Trị đã thành lập Ban Tài chính - Tiếp vận: Tài chính do đồng chí Bùi Khôn phụ trách, Tiếp vận do đồng chí Nguyễn Đình Minh phụ trách. Ban Tài chính - Tiếp vận Tỉnh dựa vào bà con ngư dân vùng Gia Đẳng, tổ chức các đội thuyền buồm vận chuyển. Lúc đầu, các đội thuyền này ra Ròn (Quảng Bình) mua gạo, muối, vải đưa về tiếp tế cho vùng đồng bằng, chủ yếu là khu căn cứ chợ Cạn (Triệu Hải). Từ việc giao thông liên lạc được với Quảng Bình bằng đường biển, tiến tới ngành Giao thông liên lạc tổ chức được các đội thuyền vận chuyển bằng đường biển giữa ba tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên và với vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, khu V “Ban Tài chính - Tiếp vận Quảng Trị đã được sự giúp đỡ tích cực và có hiệu quả của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh thuộc khu IV, khu V” , nên đã tổ chức được một số cơ sở ở các địa phương đó để làm nhiệm vụ kinh doanh và khai thác nguồn hàng thiết yếu đưa về cung cấp cho bộ đội, cán bộ... góp phần giảm bớt khó khăn cho hậu cần của tỉnh.

          Ngoài số cán bộ, nhân viên giao thông liên lạc di chuyển phục vụ kịp thời các cơ quan lãnh đạo của tỉnh, của huyện, ngành Giao thông liên lạc Tỉnh còn bố trí một số lớn cán bộ, nhân viên chạy công văn, đưa đón cán bộ đi lại theo tuyến đường Bắc - Nam, tổ chức các tuyến giao thông mới trên địa bàn huyện, tỉnh...

          Để có đủ nhân viên phục vụ, được sự đồng ý của Uỷ ban Kháng chiến Tỉnh, ngành Giao thông liên lạc Tỉnh cấp tốc tuyển chọn trong đoàn viên thanh niên cứu quốc, trong lực lượng dân quân tự vệ một số người đủ tiêu chuẩn bổ sung vào Ngành, đưa tổng số cán bộ công nhân viên của Ngành lên con số 146 người.

          Mặc dù trong những ngày đầu kháng chiến, đời sống vật chất rất thiếu thốn, gạo ít lại bị ẩm, mốc, muối thiếu có khi phải ăn nhạt, áo quần mỗi người phải tự túc, mỗi lần tắm giặt, anh chị em thường mặc nhờ của nhau. Thiếu đói và ở dưới các lùm cây rậm rạp, hầm hố trú ẩn ẩm ướt, nhiều người bị ghẻ lở, thường có 1/3 số người trong đơn vị bị bệnh sốt rét hoành hành... Song với lòng nồng nàn yêu nước, tinh thần cách mạng cao, tất cả anh chị em trong Ngành đều một lòng tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu cao quyết tâm thực hiện “Chỉ thị toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng.

          Dưới sự lãnh đạo và chỉ thị của cấp uỷ, uỷ ban kháng chiến các cấp trong Tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của hai tỉnh bạn: Thừa Thiên, Quảng Bình, sau một thời gian ngắn ngành Giao thông liên lạc Tỉnh đã hình thành được tuyến giao thông mới từ phía Bắc đến phía Nam tỉnh, chắp nối được với hai huyện: Phong Điền (Thừa Thiên), Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Tuyến đường này đi qua Bang, Ròn (Quảng Bình), Thuỷ Ba (Vĩnh Linh), Gio An (Gio Linh), Cùa (Cam Lộ), chiến khu Ba Lòng (Đakrông), Trấm (Triệu Phong), Bợc Lở - Khe Mương (Hải Lăng), Hoà Mỹ (Thừa Thiên). Trong tuyến đường mới đó có các đoạn: Xoa - Làng Hạ, Trấm - Bợc Lở, cán bộ giao thông phải tự xoi tìm, mở đường, vượt qua nhiều đèo cao, suối sâu, phải nhờ sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.

          Hoạt động của ngành Giao thông liên lạc Quảng Trị trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đã thực sự đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cùng với quân và dân trong tỉnh nhanh chóng ổn định tình hình ở hậu phương căn cứ (chợ Cạn, Hải Đạo, Phong An, Cùa, Thuỷ Ba...).

          Đại hội Đảng bộ Quảng Trị lần thứ hai (tháng 11/1947), trong phần đánh giá tình hình có đoạn nêu rõ: Trong thế giằng co của một chiến trường địch hậu, giặc Pháp tập trung lực lượng đánh phá, nhất là ở đồng bằng hết đợt này đến đợt khác, nhằm dập tắt phong trào kháng chiến của quân và dân ta ngay từ đầu, với âm mưu dùng Bình - Trị - Thiên làm bàn đạp tấn công ra vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh. Song chúng đã bị quân và dân tỉnh ta cùng với quân và dân hai tỉnh: Thừa Thiên,           Quảng Bình chặn đánh quyết liệt, gây cho chúng nhiều tổn thất... Kết quả, quân và dân Quảng Trị vẫn làm chủ vùng đồi núi và nhiều nơi ở đồng bằng, đảm bảo giao thông, liên lạc thông suốt giữa vùng đồi núi và nhiều nơi ở đồng bằng, đảm bảo giao thông, liên lạc thông suốt giữa đồng bằng với miền núi, nối liền chiến khu Quảng Trị với các chiến khu của hai tỉnh bạn: Thừa Thiên, Quảng Bình, với vùng tự do khu IV, khu V...

 

*

*        *

 

          Tháng 01/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp. Tại Hội nghị đã nhận định so sánh lực lượng giữa ta và địch có sự thay đổi bước đầu, khả năng kháng chiến của ta sẽ tăng dần và ngày càng tăng thêm. Còn địch, “đã đến lúc chúng không thể tự do, tung lực lượng ra chiếm đất ta một cách dễ dàng như trong thời kỳ kháng chiến toàn quốc mới nổ”. Hội nghị vạch ra những phương hướng và biện pháp lớn nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới.

          Cán bộ, bộ đội cũng như các đoàn thể nhân dân trong Tỉnh tổ chức học tập tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trường Chinh, sôi nổi hưởng ứng phong trào “Thi đua ái quốc” của  Ban Thường vụ Trung ương Đảng phát động ngày 27/3/1948. 

          Lời thơ mộc mạc, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

                “Người người thi đua

                 Ngành ngành thi đua

                 Ta nhất định thắng

                 Địch nhất định thua.”

          đã đi sâu vào tâm trí và biến thành hành động cụ thể của mỗi người dân Việt Nam yêu nước nói chung, của cán bộ công nhân viên chức ngành Giao thông vận tải nói riêng.

          Tháng 5/1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ “Liên khu IV” , lần thứ nhất họp. Đại hội chủ trương “Tất cả cho Bình - Trị - Thiên”, chuyển khẩu hiệu “Tất cả cho kháng chiến” sang khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng”.

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Liên khu IV, phong trào chiến tranh nhân dân ở Bình - Trị - Thiên có bước tiến mới. Phối hợp với mặt trận bắc Quảng Bình, quân và dân Quảng Trị được sự lãnh đạo, chỉ huy của Phân khu uỷ và Bộ Chỉ huy Phân khu, trực tiếp là Chính uỷ Lê Chưởng và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 Lê Nam Thắng mở đợt tác chiến, nhất là trên mặt trận đường 9, bộ đội và dân quân du kích huyện Hướng Hoá liên tục đánh phá giao thông trên đường 9, phá huỷ hàng chục xe quân sự chở vũ khí, lương thực, thực phẩm, gây cho địch nhiều khó khăn trong việc tiếp tế cho mặt trận Trung Lào. Hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ và đầy hiểm nguy, cán bộ công nhân viên ngành Giao thông liên lạc Tỉnh đã nêu cao ý chí kiên cường bất khuất, một lòng một dạ cùng với lực lượng giao thông, liên lạc mà của hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Bình ra sức củng cố, xây dựng các tuyến đường phục vụ kháng chiến. Từ tháng 5/1948, việc giao thông liên lạc từ khu IV vào Bình - Trị -  Thiên, khu V đã thông suốt liên lạc từ khu IV vào Bình - Trị - Thiên, khu V đã thông suốt và tương đối ổn định theo hai hướng tuyến chính:

  • Tuyến chủ yếu dùng cho liên lạc và vận chuyển hàng hoá đi qua các chiến khu ba tỉnh Bình - Trị - Thiên, từ Hoà Mỹ, qua Khe Mương, đến Bợc Lở - Ba Lòng - Cùa - Thuỷ Ba - Bang Rợn - Lùi -  U Bò - Ba Rền - Bồng Lai - Troóc... Tuyến được tổ chức có quy củ, hoạt động thường xuyên. Đây là tuyến vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên và vận tải vào khu V.
  • Tuyến thượng đạo từ Phong Nha - Cà Roòng - Cờ Đở - Tạ Lê - Các - Khe Giữa - Đơn Quế - Cổ Kiềng - Thuỷ Ba - Đường 9 - Cùa - Ba Lòng v.v... Đây là tuyến đường vận chuyển vũ khí, đạn dược cho Bình - Trị - Thiên và chủ yếu cho khu V, Nam Bộ, đồng thời đưa đón nhiều cán bộ trung, cao cấp của Trung ương khu V, Nam Bộ ra vào. 

          Từ tháng 10/1947, đầu năm 1948, địch lấn chiếm, đóng chốt ở một số điểm, gây ra nhiều khó khăn. Chúng phục kích bắn chết một số người của ta. Thú rừng cũng là một hiểm hoạ đối với những người làm công tác giao thông, liên lạc. Trong hai năm 1947, 1948, cọp đã ăn thịt và giết chết 138 người, riêng ở Quảng Trị có 38 người bị cọp vồ ở chiến khu Hải Đạo. 

          Để tránh các đồn bốt, các điểm phục kích của địch cũng như thú dữ, các lực lượng giao thông liên lạc của Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên phối hợp dò tìm và dựng lập các đường tránh, tuy có khó khăn gian khổ hơn, nhưng bảo đảm bí mật, an toàn.

          Trên tuyến có lập các trạm, mỗi trạm có một đại một dân công làm nhiệm vụ vận chuyển và chỉ dẫn các đoàn đi lại. Có những trạm nhỏ, đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mang gùi. Về gánh bộ, nam mỗi người gánh 22 kg, nữ mỗi người gánh 20 kg, cùng gạo, nước và đồ dùng cá nhân hàng ngày.

          Từ khi trục chính Bắc Nam khai - thông, cán bộ công nhân viên ngành Giao thông liên lạc Tỉnh đã làm tốt việc tiếp đón, dẫn dắt các đoàn cán bộ ra vào, đồng thời làm tròn nhiệm vụ vận chuyển công văn, báo chí, bưu kiện, bưu phẩm, ngân khố, vàng, vật tư, thiết bị thiết yếu của Trung ương cung cấp cho các địa phương.

Ngoài tuyến chính Bắc - Nam, ở địa bàn Quảng Trị, cán bộ giao thông liên lạc còn mở thêm nhiều tuyến đường quan trọng khác đi từ các vùng đồng bằng Triệu - Hải, Cam - Gio - Vĩnh vượt đường 1, đường sắt, lên các khu căn cứ kháng chiến hoặc từ các khu căn cứ về các vùng đồng bằng ven biển như:

  • Tuyến đường từ vùng Gia Đẳng - chợ Cạn - bến Rôộc (Thượng Xá), vượt qua quốc lộ 1, đường sắt lên Hải Đạo, Triệu Nguyên (chiến khu Ba Lòng).
  • Tuyến từ chợ Cạn băng qua sông Thạch Hãn, Ái Tử lên Phong An - Bến Trấm - chiến khu Ba Lòng.
  • Tuyến từ Cùa (chiến khu Cam Lộ) qua Đèo Cả, vượt đường 9 về Kim Đâu, Kim Bình, xuống các xã phía bắc sông Hiếu.
  • Tuyến từ Cùa đi vào Trừ Lấu, Teng Teng, Bến Trấm v.v...
  • Tuyến từ Gio An (chiến khu Gio Linh) về An Xá, vượt qua đường 1, xuống Linh Hoà, Linh Mai...
  • Tuyến từ Vĩnh Thái - Vĩnh Linh theo đường Từ Chính - Hạ Cờ, qua cầu Điện, lên Thuỷ Ba, hoặc theo đường Cao Xá, Võ Xá, qua đò Hải Cụ, Phước Sơn, lên Thuỷ Ba (chiến khu Vĩnh Linh).

          Như vậy, ngay từ các năm đầu kháng chiến (1947 - 1948) trên địa bàn Quảng Trị vừa có tuyến giao thông dọc vừa có tuyến giao thông ngang xuống tận các vùng đồng bằng, ven biển liên kết với nhau. Trên các tuyến giao thông dọc ngang có chia từng cung, chặng, có đặt trạm liên lạc giao nhận công văn, tài liệu, hàng hoá... và cán bộ giao liên dẫn đường, bảo đảm bí mật, an toàn, kịp thời phục vụ lãnh đạo kháng chiến. Đồng thời tạo đường dây khai thác các nguồn nhân lực, vật lực trong nhân dân, góp phần giải quyết yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến. 

          Từ khi chiến khu Ba Lòng của Tỉnh được xây dựng, tuyến giao thông đường sông Ba Lòng về Bến Trấm dài 16 km đã được khai thác. Phân đoàn vận tải bằng thuyền chèo được thành lập, lấy tên là Phân đoàn Xuân Đức (sử dụng thuyền của làng Xuân Đức) do đồng chí Nguyễn Đăng Hằng tổ chức, đồng chí Phạm Máy (thư ký công đoàn Ngành) làm đoàn trưởng. Đoàn thuyền có 12 chiếc bằng gỗ, làm nhiệm vụ vận chuyển cán bộ, bộ đội, nhân dân và lương thực, thực phẩm, vũ khí... từ Bến Trấm lên chiến khu Ba Lòng và ngược lại. Ngoài việc chở người, Phân đoàn Xuân Đức còn chở dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt gia đình do xưởng rèn Trần Đăng Khoa và xưởng mộc Lê Thế Hiếu sản xuất, kịp thời phục vụ nhân dân vùng đồng bằng Triệu Hải lúc đó đã bị thực dân Pháp càn quét đốt sạch nhà cửa và công cụ làm ăn. Một số đoàn cán bộ của tỉnh Thừa Thiên, khu V... ra khu IV, Việt Bắc công tác, học tập cũng tập trung đến bến Trấm rồi đi dò dọc lên khu Ba Lòng, sau đó tiếp tục hành quân theo tuyến đường bộ Nam - Bắc... Để phòng tránh địch càn quét, bắn phá, ban ngày ta phải nhấn chìm đò xuống sông, ban đêm đưa lên vận chuyển. 

          Suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuyến vận chuyển bằng thuyền trên sông Thạch Hãn (đoạn từ chiến khu Ba Lòng về bến Trấm), đêm đêm vẫn tấp nập các chuyến đò dọc xuôi ngược, hoạt động liên tục, an toàn và có hiệu quả.           Tức cảnh, nhà thơ Lương An có bài thơ “Cô lái đò” với các đoạn như sau: 

                “Đò em lên xuống Ba Lòng

                Chở người cán bộ qua vùng chiến khu

                ... Bà con đi có việc cần

                Sao cho khỏi trễ là phần em lo

                ... Tây lên mấy chuyến Ba Lòng

                ò em dận nước cũng chừng nấy phen

                Tây về em lại kéo lên

                Đêm đêm cứ ngược xuôi miền chiến khu

                Đáy sông có giỏi thì mò

                Đố Tây tìm đốt được đò nhà em...”.

          Giữa năm 1948, Ban Tài chính - Tiếp vận Quảng Trị phối hợp với ngành Giao thông vận tải Quảng Bình thành lập chi điểm vận tải biển mang tên Lệ - Vĩnh (chủ yếu là lực lượng vận tải biển của hai huyện Lệ Thuỷ và Vĩnh Linh) do đồng chí Đinh Duy Trình phụ trách. Chi điểm vận tải biển Lệ -  Vĩnh cùng với các đội vận tải biển của liên khu IV (do đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu... phụ trách) đã vượt qua sự phong toả ngăn chặn của giặc Pháp, vận chuyển các loại vũ khí: lựu đạn, súng Badoca và hàng trăm tấn gạo, muối, vải và thuốc chữa bệnh sốt rét đưa và cập bến tại Canh Gián, Thái Lai, Mạch Nước (Vĩnh Linh), Gia Đẳng (Triệu Phong)... góp phần giảm bớt khó khăn gay gắt cho chiến trường. Riêng quân khu IV đã bổ sung cho xưởng quân giới Hùng Việt (trước là Đội Quyên) lực lượng gồm 20 cán bộ và công nhân, 2 máy tiện và 5 tấn hàng quốc phòng.

Việc hình thành và giữ vững các tuyến giao thông liên lạc là đóng góp quan trọng của cán bộ công nhân viên ngành Giao thông liên lạc - vận tải Quảng Trị, góp phần đắc lực đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Quảng Trị.

 

2. Giao thông vận tải Quảng Trị phục vụ nhiệm vụ: Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện sang tổng phản công (1949 - 1952)

          Tháng 01/1949, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6, Hội nghị đề ra phương châm chiến lược của giai đoạn mới là: “Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công”.

          Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quảng Trị lần thứ ba (tháng 3/1949): “Quyết định tăng cường củng cố địa bàn Hướng Hoá, mở Mặt trận đường 9, bắt đầu đánh mạnh ở đường 9...” . 

          Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ ba, dưới sự chỉ đạo của Ban Giao thông vận tải Tỉnh, các huyện, thị trong tỉnh thành lập các “Đội đạo lộ”. Đội đạo lộ có nhiệm vụ cảnh giới, nắm tình hình địch tại các điểm vượt qua quốc lộ, tỉnh lộ, bảo đảm an toàn cho các cuộc hành quân của bộ đội, cán bộ chính trị, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ đi lại hoạt động, các đoàn dân công vận tải... Chẳng hạn như trung đội đạo lộ của huyện Cam Lộ đóng tại Cùa, ngày đêm có nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ đường hành lang Bắc - Nam ngang qua đường 9 - Cùa - Xoa - chiến khu Ba Lòng. Trong các năm 1949, 1950, trung đội đạo lộ Cam Lộ đã dựa vào nhân dân để nắm tình hình địch dọc đường 9, bắt đầu mối liên lạc và chỉ dẫn đường đi lối lại cho các đoàn cán bộ Trung ương, Liên khu IV, có đoàn vận tải đông đến 40 - 50 người từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh vào khu V qua quốc lộ đều trót lọt.

          Cùng lúc này, Chi cục Tiếp vận Quảng Trị được thành lập do đồng chí Nguyễn Đình Minh làm chi cục trưởng, đồng chí Võ Thế Trương làm chi cục phó và một số cán bộ trụ cột của Chi cục Lê Dũng (Lê Cáo), Phan Tấn Thanh... Sau khi thành lập, Chi cục tiếp vận Tỉnh đã phối hợp với các huyện Cam Lộ, Hướng Hoá chuẩn bị hậu cần phục vụ các đợt tác chiến của bộ đội Phân khu Bình Trị Thiên trên trục đường 9 trong Hè Thu năm 1949.

          Tháng 10/1949, ta thành lập Mặt trận Bình - Trị - Thiên - Trung Lào, với nhiệm vụ đẩy mạnh tác chiến tập trung ở hướng chiến lược đường 9 - miền Trung Đông Dương, dùng chủ lực tác chiến để phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ.

          Phối hợp với bộ đội chủ lực, Tỉnh đội Quảng Trị phát động “Tuần lễ địa lôi”, “Tuần lễ rào làng”, “Tuần lễ phá hoại giao thông địch” trong toàn tỉnh.

          Hưởng ứng chủ trương đó, các đội đạo lộ của hai huyện Cam Lộ, Hướng Hoá phối hợp với bộ đội địa phương phục kích phá 4 xe của địch bị tắc nghẽn hàng tháng liền; đồng thời tổ chức bao vây, quấy rối các lô cốt, vị trí ở Đầu Mầu, Tâm Lâm, Đèo Đá, cây số 7... khiến bọn đóng chốt mất ăn, mất ngủ, luôn luôn nằm trong tình trạng căng thẳng, đối phó... Ở vùng đồng bằng, hàng ngàn dân công được huy động đêm đêm cùng với nhân dân địa phương đổ ra phá hoại đường 1, dựng chướng ngại vật, cản trở tiến quân, tiếp tế của địch. Đoạn quốc lộ 1A (từ thị xã Quảng Trị ra Lệ Thuỷ - Quảng Bình) bị phá hỏng nặng, làm tê liệt giao thông địch trong nhiều tuần lễ.

          Vùng du kích làm chủ tiếp tục mở rộng và liên hoàn từ các khu căn cứ miền Tây đến vùng đồng bằng, ven biển Cửa Việt, Cửa Tùng... Các trục hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây Tỉnh đều được khai thác thông, cán bộ, bộ đội và nhân dân cách mạng đi lại dễ dàng hơn trước...

          Trên đà thắng lợi, bước sang năm 1950, ta tiếp tục thu được “một đại thắng lợi về chính trị”. Đó là việc các chính phủ Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ ta.

          Tháng 4/1950, tiến hành Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quảng Trị lần thứ IV. Về phương hướng nhiệm vụ sắp tới, Đại hội quyết định: “Tiếp tục gấp rút hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị chuyển sang tổng phản công...”. Đại hội ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân thúc đẩy sự nghiệp cách mạng trong tỉnh tiến lên một bước phát triển mới.

          Cán bộ giao thông vận tải và thông tin liên lạc Quảng Trị nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, ra sức thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng “Về việc sửa đường và vận tải”, phục vụ quân và dân ta tiến lên đánh lớn, trước mắt là phục vụ “Chiến dịch Phan Đình Phùng” do Hội nghị Quân - Dân - Chính Bình Trị Thiên chủ trương.

          Đối phó với âm mưu cướp phá lúa, triệt nguồn tiếp tế của đồng bằng cho chiến khu của địch, Đảng bộ và nhân dân các vùng đồng bằng đã huy động toàn bộ dân quân cùng lực lượng nông dân lao động “gặt mau, giấu kín”, bảo vệ mùa, giúp cán bộ giao thông vận tải lập các đoàn vận tải để vận chuyển số thóc do nhân dân ở vùng tạm bị địch chiếm đóng, kịp thời đưa lên các chiến khu...

          Giữa năm 1950, giặc Pháp đưa vào Bình - Trị - Thiên những đoàn tàu hoả bọc thép có trang bị vũ khí mạnh. Phương tiện vận chuyển lợi hại này có tác dụng đối phó với những trận đánh giao thông của quân và dân ta.

          Ngày 24/10/1950, được sự chi viện đắc lực của đại đội trợ chiến và các lực lượng vũ trang Thừa Thiên, Quảng Trị, Tiểu đoàn 227 hợp đồng chặt chẽ với lực lượng công binh, tiến công đoàn tàu bọc thép vận tải của địch dài 16 toa. Trận đánh diễn ra quyết liệt kéo dài hai giờ liền, ta phá hỏng đầu máy, 10 toa, thu một khẩu pháo dài 40 mm. Trận đánh diễn ra trên đoạn đường sắt Mỹ Chánh - Diên Sanh, nơi có vị trí lô cốt, tháp canh, có đường giao thông thuận lợi cho việc phản kích của địch. Nhưng do ta làm tốt công tác chặt chẽ nên buộc địch phải thất bại.

          Thắng lợi của trận đánh đoàn tàu bọc thép đã làm cho quân và dân trong Tỉnh hết sức vui mừng phấn khởi, vượt qua khó khăn do trận lụt tháng 10 gây ra. Ban Huy động dân công đã huy động được 14.857 người đi dân công, vận chuyển 312 tấn công lương, 768 tấn lúa thuế điền thổ từ đồng bằng lên chiến khu, trong đó có một số dân công đi phục vụ mặt trận đường 9 - Trung Lào, tích cực góp phần của địa phương mình với các địa phương khác trong phân khu, phối hợp với chiến dịch biên giới.

          Ngành Giao thông vận tải, Thông tin liên lạc - Bưu điện Tỉnh đã thi công chiếc cầu bằng gỗ bắc qua sông Ba Lòng dài 120 m từ Đá Nổi qua Hà Giữa, tạo điều kiện cho cán bộ, bộ đội và nhân dân đi lại thuận tiện.

          Đầu năm 1951, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ nhà trường và Ban giám hiệu, Hiệu đoàn học sinh Trường cấp II Lê Thế Hiếu tổ chức cho toàn thể học sinh tham gia phá hoại đường 9 và đi dân công vận tải, mỗi đợt một tuần hoặc 10 ngày, có cán bộ giao thông dẫn đường về đồng bằng Cam Lộ gánh lúa công lương đưa lên nhập vào kho thóc của tỉnh ở vùng Xoa.

          Giữa năm 1951, hưởng ứng và phối hợp với chiến dịch Quang Trung đang diễn ra ở Hà - Nam - Định, bộ đội chủ lực Trung đoàn 95 đánh đồn Ba Dốc. Đồn Ba Dốc án ngữ đường số 1 được địch tập trung xây dựng một loạt lô cốt kiên cố nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào. Để xây dựng đồn này, địch đã san bằng hai thôn Lễ Môn và Gia Môn, lập vành đai trắng để ngăn chặn các cuộc tấn công của ta. Trước khi diễn ra trận đánh 4 ngày, lực lượng giao thông cùng với dân quân Cam Lộ và Tiểu đoàn 310 (Trung đoàn 95) phá hoại đoạn đường từ Đập Huyện vào Đông Hà; dân quân Vĩnh Linh và Tiểu đoàn 302 phá hoại đường từ cầu Hiền Lương ra Hồ Xá; dân quân Gio Linh và một bộ phận Tiểu đoàn 302 phá hoại các đoạn đường nối từ Đập Huyện ra Hà Thanh. Việc phá hoại các đoạn đường nói trên nhằm cô lập vị trí Ba Dốc, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta đánh chiếm vào đêm 12/6/1951.

Sau trận đánh vị trí Ba Dốc thắng lợi, ta tiêu diệt thêm một số lô cốt địch xây dựng kiên cố, trong đó có lô cốt Hà Trung án ngữ đường 74, bọn địch trong các đồn còn lại “án binh bất động”. Hành lang Đông - Tây của huyện Gio Linh thông suốt, tạo điều kiện cho cán bộ, bộ đội du kích đi lại hoạt động, nhân dân huyện Gio Linh có điều kiện đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến ngày càng nhiều...

Sau khi Ngân hàng Tỉnh tổ chức được mạng lưới giao dịch, được sự giúp đỡ, dẫn đường của cán bộ giao thông, đã tổ chức từng đợt từ 10 đến 15 ngày, mỗi cán bộ tín dụng lưng đeo ruột tượng gạo, hai vai mang ba lô tiền, đợi lúc hoàng hôn vừa xuống là lên đường hoạt động, đưa tiền cho nông dân vay làm ra hạt lúa, củ khoai, cân thịt để tự túc, phần còn lại đóng góp cho kháng chiến nuôi cán bộ, bộ đội, dân quân du kích đánh giặc giữ làng. Nhiều sản phẩm khác do đồng bào thượng du khai thác như mật ong, nấm, mộc nhĩ, mây, nứa, lá trầm hương thì đưa vào vùng tạm bị địch chiếm bán lấy tiền mua các thứ hàng cần thiết như gạo, vải, thuốc chữa bệnh, dầu lửa... Những vùng vừa bị địch càn quét, ném bom, bắn pháo đốt cháy, phá hoại nhà cửa, bắn giết trâu bò..., cán bộ tín dụng theo cán bộ giao thông liên lạc đến tận từng gia đình để cho dân vay tiền, mua sắm lại dụng cụ, trâu bò... tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống, tham gia kháng chiến.

          Thực hiện chủ trương của Liên khu uỷ Liên khu IV, đầu tháng 3/1952, Bộ Chỉ huy mặt trận Bình - Trị - Thiên phối hợp với ngành Giao thông vận tải và lực lượng vũ trang Quảng Trị mở đợt hoạt động trọng điểm bằng cuộc tiến công vào vị trí Nam Đông (Gio Linh). Đây là một vị trí phòng ngự quan trọng của địch, nằm trong hệ thống phòng thủ bắc Quảng Trị. Ta tiếp tục chủ động tác chiến, bao vây các vị trí đồn bốt, phá cầu cống trên các tuyến đường 74, đường 75 mở rộng khu căn cứ bắc Quảng Trị và uy hiếp trực tiếp các vị trí ở Hà Thanh (Gio Linh) và Đông Hà...

          Giữa năm 1952, ngành Giao thông vận tải đã mở đường xe trâu Cam Lộ - Bãi Hà, tiếp tục nối với đường “xe bò” do tỉnh Quảng Bình tổ chức đi từ bến Lủi (Quảng Bình) vào Cổ Kiềng - Mé Tré thuộc địa bàn Vĩnh Linh. Việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực từ vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh vào Quảng Bình do tuyến đường goòng (goòng đạp, goòng đẩy) đảm nhiệm, từ Bãi Hà vào Cam Lộ do đoàn xe trâu của Quảng Trị gồm 12 chiếc bánh xe bằng gỗ (với trọng tải 3 tạ/1 chiếc) có 24 con trâu kéo đảm nhiệm.

          Bắt đầu từ giữa năm 1952 trở đi, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương (tháng 4/1952) về “Cuộc vận động chỉnh huấn”, Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức cho các tỉnh uỷ viên và đội ngũ cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, học tập quán triệt.

          Sau Hội nghị cán bộ chủ chốt, ngành Giao thông vận tải - Bưu điện Tỉnh tiến hành chỉnh huấn chính trị.

          Kết quả đợt học tập chỉnh huấn chính trị lần này có tác dụng làm chuyển biến một bước về lập trường giai cấp vô sản cho mỗi cán bộ công nhân viên trong Ngành, thống nhất tư tưởng và hành động cách mạng. Trên cơ sở nhận rõ các mặt ưu, khuyết điểm, tồn tại, mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong Ngành đã tự liên hệ, kiểm điểm và đề ra chương trình tu dưỡng và hoạt động của cá nhân và đơn vị...

          Từ tháng 5 đến tháng 8/1945, bộ đội địa phương cùng với công binh, lực lượng giao thông đã phá sập cầu Dài, cầu Xuân Lâm, phá dỡ hai cây số đường sắt (đoạn ngang qua Tân Điền), giật mìn lật đổ 7 toa tàu ở ga La Vang. “Vụ lúa tháng tám được bảo vệ tốt. Nông dân phấn khởi, hăng hái đóng thuế nông nghiệp phục vụ kịp thời nhu cầu kháng chiến” .

 

3. Giao thông vận tải Quảng Trị phục vụ nhiệm vụ: Cùng cả nước xốc tới đánh thắng giặc Pháp và can thiệp Mỹ xâm lược (1952 - 1954)

          Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ của quân và dân Việt Nam lúc này đã bước vào giai đoạn quyết liệt. Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 4/1952) đã nêu rõ: “Nước ta là nước nông nghiệp, số đông là nông dân. Không kéo được nông dân thì không thể nói đến lãnh đạo cách mạng, không thể nói đến thực hiện dân chủ nhân dân và tới chủ nghĩa xã hội”, “Quyền lợi của nông dân ở ruộng đất. Muốn kéo nông dân phải giải quyết vấn đề ruộng đất. Vấn đề ruộng đất giải quyết đúng thì lãnh đạo kháng chiến thắng lợi, cách mạng thành công”.

          Chủ trương phát động quần chúng nói trên đã tạo nên một khí thế cách mạng sôi động ở nông thôn Việt Nam.

          Nhờ phát huy sức mạnh của toàn dân trong giao thông vận tải mà hệ thống đường bộ được sửa chữa nâng cấp, phương tiện vận tải tăng, đáp ứng được phần lớn việc giao lưu hàng hoá giữa các vùng, vận tải vũ khí, lương thực thực phẩm phục vụ kịp thời cho lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương đứng chân hoạt động ở các mặt trận...

          Tháng 9/1952, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc.

          Sau hơn hai tháng chiến đấu, quân và dân Tây Bắc tiêu diệt trên 6.000 tên địch, phá tan âm mưu lập "Xứ Thái tự trị", giải phóng toàn bộ khu Tây Bắc, căn cứ Việt Bắc được mở rộng và cũng cố thêm vững chắc.

Thắng lợi của mặt trận Tây Bắc đã cổ vũ tinh thần tiến công của quân và dân Quảng Trị.

          Phát huy thắng lợi của mùa xuân, quân và dân Quảng Trị tiếp tục đánh nhỏ, đánh liên tục trong mùa hè năm 1953. Quân và dân Gio Linh đánh một tiểu đoàn địch đi càn ở Tân Lịch; quân và dân Vĩnh Linh chặn đánh, diệt gọn một đại đội địch đi càn cách thị trấn Hồ Xá khoảng 1 km; lực lượng vũ trang Hải Lăng đánh địa lôi tại các cầu Bến Đá, cầu Dài, huy động dân công phá hoại quốc lộ 1 (đoạn Phò Trạch - Km 38) làm giao thông tiếp tế của địch giữa Huế và thị xã Quảng Trị bị tắc nghẽn một thời gian.

          Ngày 28/7/1953, địch mở trận càn với quy mô lớn mang tên “Cuộc hành binh Camagơ”, là cuộc càn lớn nhất với thời gian dài nhất của địch từ trước tới nay ở chiến trường Bình - Trị - Thiên.

          Phục vụ lực lượng vũ trang cách mạng đánh giặc chống càn, ngành Giao thông vận tải Quảng Trị đã huy động nhiều đoàn dân công theo sát các trận đánh của bộ đội ta diễn ra từ ngày 28/7 đến ngày 05/8/1953 để tiếp tế lương thực thực phẩm, tải thương, sửa chữa đường sá và phá hoại giao thông tiếp tế của địch.

          Hội nghị Liên khu uỷ Liên khu IV cuối năm 1953 nhận định: Bình - Trị - Thiên là một chiến trường đất hẹp, dân nghèo nhưng cùng với Trung Lào giữ một vị trí trọng yếu ở Trung Đông Dương, trong thời gian tới thực dân Pháp có sự can thiệp của đế quốc Mỹ hỗ trợ đắc lực sẽ ra sức càn quét giết người, cướp của, do đó cuộc đấu tranh ở Bình - Trị - Thiên sẽ càng gay go và quyết liệt hơn. Hội nghị Liên khu uỷ đề ra chủ trương hành động với nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là: “Tích cực củng cố căn cứ du kích, đẩy mạnh hoạt động vùng địch tạm chiếm, đánh mạnh trên các tuyến đường 9, đường 1, đường xe lửa, phối hợp chặt chẽ với chiến trường chính”.

          Sau khi học tập chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, vạch trần âm mưu của địch chia rẽ giữa đồng bào miền núi và đồng bằng miền xuôi, Hội nghị Đại biểu nhân dân thượng du của tỉnh Quảng Trị vào ngày 03/10/1953, đã “phát động phong trào thi đua sản xuất, du kích chiến tranh, động viên sức người, sức của phục vụ giai đoạn tổng phản công, trước mắt đối với Hướng Hoá là phục vụ mặt trận Hạ Lào, và mặt trận đường 9”  với các nhiệm vụ cụ thể: tiếp tục giáo dục, động viên toàn bộ thanh niên dân tộc Vân Kiều, Pa Cô tham gia du kích, bộ đội địa phương, đi dân công vận tải, kêu gọi, lôi kéo số con em đã tham gia nguỵ quân, nguỵ quyền đóng chốt dọc trục đường 9 và thị trấn Khe Sanh trở về với bản làng; phối hợp với ngành Giao thông vận tải phá hoại cầu cống trên trục đường 9...

          Thời gian cuối năm 1953, đầu năm 1954, lúc bộ đội ta tiến công địch ở các địa bàn: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hoá “lực lượng giao thông vận tải Tỉnh và dân quân du kích địa phương đã phá sập 38 cầu cống, liên tiếp phục vụ kích lật nhào nhiều đoàn tàu hoả, xe quân sự chở binh lính của địch hành quân trên đường sắt, đường 1, đường 9. Nhiều trận giao thông chiến đã diễn ra ở Tâm Lâm, Đầu Mầu, Rào Quán, Khe Sanh” , cắt đứt đường vận tải tiếp viện của địch sang Trung Lào. 

          Xuất phát từ sự chỉ đạo tác chiến linh hoạt của Bộ Chỉ huy chiến dịch, biết khai thác và khoét sâu chỗ yếu của địch, chủ động phân tán lực lượng, chuyển hướng tấn công địch, các đơn vị tham gia mặt trận đường 9 đã dành được thắng lợi lớn, chặt đứt tuyến phòng ngự đường 9 của địch dài gần 100 km (Từ Đông Hà đến Sê Pôn), khai thông giao thông liên lạc của ta giữa Bắc và Nam đường 9.

          Trong khi lực lượng vũ trang đẩy mạnh tấn công địch, nhân dân các vùng căn cứ và các vùng du kích trong Tỉnh ra sức khắc phục khó khăn do bom đạn của địch gây ra, đồng thời cùng với lực lượng du kích có sự hướng dẫn của các cán bộ giao thông vận tải, đã tổ chức phá hoại hàng ngàn mét đường trên tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 9 nhằm ngăn chặn các cuộc tiến công của địch. Ngoài ra còn phối hợp với lực lượng dân công vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh và Liên khu V, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho liên quân Việt - Lào đánh địch, giành thắng lợi ở Hạ Lào.

          Cuộc kháng chiến của quân và dân ta phát triển mạnh, khiến Bộ Chỉ huy Pháp vội vã ”điều bốn tiểu đoàn quân cơ động ứng chiến đến Quảng Trị, cố khai thông quốc lộ 9, quốc lộ 1 và đường sắt” .

          Đi đôi với các trận càn, chúng tổ chức các đơn vị nhỏ thọc sâu phục kích, tập kích các thôn Trà Trì, Lam Thuỷ, Trâm Lý, Đại Nại, Thượng Xá nhằm bắt cóc cán bộ giao thông, các đoàn vận tải tiếp nhận hàng hoá do đường ven biển từ Cửa Sót, Cửa Nhượng (Hà Tĩnh) đưa vào tại Gia Đẳng, Hải An, Hải Khê, chuyển lên chiến khu Hải Đạo theo đường Bến Rôộc - Thượng Xá, Dốc Son - Thượng Nguyên hoặc lên chiến khu Ba Lòng theo đường Bến Rôộc - La Vang - Tân Mỹ - Trấm.

          Trên tuyến hành lang này, có lần đoàn vận tải ta đi ngang làng Thượng Xá vào ban đêm, số binh lính ở đồn Cầu Nhùng phát hiện được, liền dùng loa nói vọng ra: “Các anh bộ đội đi mau mau cho, kẻo Tây nó biết”. Trong anh em ta, có người tức cảnh làm câu ca dao: “Lính nguỵ ngậm miệng ăn tiền, để cho vận tải chúng miềng (mình) tự do”.

          Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh khu IV, quân và dân ta ở mặt đường 9 - Hướng Hoá đã đánh mạnh vào giao thông của địch, phá sập cầu Rào Quán, tập kích tiêu diệt vị trí Cà Lu và đồn Đầu Mầu, bao vây vị trí Cù Bách và thị trấn Khe Sanh. Trước tình hình đó, bọn địch buộc phải rút khỏi vị trí: Đầu Mầu, Rào Quán, Mai Lĩnh, Vùng Kho về co cụm tại Khe Sanh. Được hỗ trợ của Trung đoàn 18, quân và dân Hướng Hoá truy quét các vị trí còn lại của địch trên trục đường 9, buộc địch phải bỏ các vị trí Khe Sanh, Lao Bảo.

          Đến giữa tháng 4, địch bị quân ta vây ép, đại đội Pa-ti-giăng đóng ở Xà Muồi buộc phải đầu hàng. “Ta giải phóng hoàn toàn huyện Hướng Hoá và một phần huyện Cam Lộ, cắt đứt hoàn toàn đường liên lạc tiếp tế của địch từ Bình - Trị - Thiên cho vùng Trung Lào.” 

          Cùng trong thời gian đó, quân và dân ta trên khắp các chiến trường nói chung, ở Quảng Trị nói riêng, tiếp tục đẩy mạnh mọi hoạt động cách mạng hơn bao giờ hết. Quân địch đứng trước mọi tình thế hết sức khó khăn. Đi đôi với thất bại về quân sự, chính trị, chúng bị một đòn tâm lý choáng voáng. Chúng buộc phải rút bớt quân ở nhiều nơi, thu hẹp phạm vi chiếm đóng để bảo toàn lực lượng, tránh nguy cơ bị tiêu diệt.

          Ở mặt trận Bình - Trị - Thiên, chúng thực hiện ý đồ chiếm lại đường số 9, ngăn chặn tuyến giao thông Bắc - Nam của ta.

          Trong các tháng 5 và tháng 6/1954, với 17 tiểu đoàn cơ động mạnh, địch mở hai trận càn vào đồng bằng Triệu - Hải, hai trận càn vào vùng đồng bằng Cam - Gio - Vĩnh nhằm “bình định”, bắt người, cướp của, nhưng chúng đã bị các lực lượng vũ trang của ta chặn đánh quyết liệt, có trận ở Triệu - Hải, quân và dân ta loại ra khỏi vòng chiến đấu 500 tên địch.

          Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết.

          Sau khi tập trung học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II), cán bộ công nhân viên ngành Giao thông vận tải - Bưu điện tỉnh Quảng Trị cùng với cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh dự một cuộc mít tinh lớn tại Phước Môn để kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, do Uỷ ban Kháng chiến hành chính và Uỷ ban Mặt trận Liên - Việt tỉnh tổ chức.

          Theo sự phân công của lãnh đạo Tỉnh, một số cán bộ công nhân viên ngành Giao thông vận tải - Bưu điện ở lại địa bàn miền Nam tiếp tục làm nhiệm vụ phục vụ cơ quan Tỉnh uỷ, số đông còn lại cùng với cán bộ, bộ đội lên đường tập kết ra miền Bắc.

          Ngành Giao thông vận tải Tỉnh trong 9 năm (1945 - 1954) đã góp phần cùng với Ngành Giao thông vận tải cả nước thiết lập nên tuyến giao thông liên lạc Bắc - Nam ngay từ năm 1946, kịp thời phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp; cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân ở các địa bàn trong tỉnh tạo dựng được hệ thống giao liên, xây dựng được mạng lưới đường giao thông kháng chiến từ nông thôn vào đô thị, từ vùng đồng bằng ven biển đến miền núi, vùng bản xa xôi, phát triển sử dụng rộng rãi các loại phương tiện vận chuyển phong phú, đa dạng... đáp ứng kịp thời nhu cầu đời sống của nhân dân.

          Tính riêng trên tuyến đường giao liên Bắc - Nam (phần thuộc địa phận Quảng Trị) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đường dây liên lạc Tỉnh đã tổ chức đưa đón, đảm bảo an toàn cho nhiều đoàn cán bộ Trung ương đi công tác, gồm các đồng chí: Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Trần Quý Hai, Hoàng Văn Diệm, Cao Văn Khánh, Trần Hữu Dực, Ngô Tấn Nhơn, Phạm Ngọc Thạch, Lê Hiến Mai, Lưu Ký Kỳ... và các đoàn trong Nam ra Bắc công tác hội họp, gồm có đoàn của các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh, Trần Văn Trà, Đàm Quang Trung... ; Khách bạn (Lào, Campuchia) có đoàn của Hoàng thân Xu-va-nu-vông, đoàn của đồng chí Sơn Ngọc Minh...

          Để đạt được những thành tựu đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Kháng chiến hành chính Tỉnh, ngành Giao thông vận tải Quảng Trị quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh; phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, lực lượng dân quân du kích, bộ đội đứng chân trên địa bàn; tranh thủ sự giúp đỡ, chi viện to lớn về vật chất và tinh thần của Đảng bộ và nhân dân Liên khu IV, sự phối hợp chặt chẽ với ngành Giao thông vận tải hai tỉnh bạn Thừa Thiên và Quảng Bình; kết hợp với ý chí anh dũng, chịu đựng khó khăn gian khổ, bám dân, bám đường, quyết tâm xây dựng và bảo vệ, giữ vững mạch máu giao thông vận tải thông suốt, phục vụ kháng chiến thắng lợi.