Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 77

Tổng lượt truy cập: 332.611

NHỚ MỘT CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN

NHỚ MỘT CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN

 (Tg: Phan Thanh Tiến - TP KH-TC, Sở GTVT)

Anh Phan Thanh Bồng là cháu đích tôn của ông bà nội tôi. Anh sinh năm 1933. Hồi nhỏ, anh vào Phan Thiết sống cùng cha mẹ tôi để đi học. Mẹ tôi kể, khi anh ở quê vào toàn mặc áo quần đen (ở quê hồi ấy là bình thường), bạn bè trêu anh là “con quạ”, tủi thân, anh khóc. Mẹ tôi dẫn anh đi may áo quần mới. Về sau anh hay nhắc lại quãng thời gian đẹp đấy. Cũng từ đó, anh sớm bộc lộ năng khiếu về hội họa.

Năm 1954, anh là chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; trùng hợp là Đại đoàn phó Cao Văn Khánh với anh là chú cháu họ. Ngày 10-10-1954, anh Bồng vinh dự có mặt trong đoàn quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Năm 1990, tôi cùng anh thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nơi có trưng bày ảnh chụp cảnh đoàn xe do đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn Quân tiên phong dẫn đầu, trong đó có cảnh anh Bồng ngồi trên một chiếc xe.

Khoảng cuối thập niên 1960, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh được sang Nga học tiếp. Về nước, anh tâm sự với ba tôi: “Cháu có nên cưới cô Tania không, thưa chú?”. Anh nói vui hoặc là vì tình yêu cháy bỏng mà nói thế thôi, chứ thời kỳ ấy là thời “tình yêu có biên giới”. Anh chỉ còn mỗi cách nâng niu lọn tóc vàng còn lại nơi anh.

Xuất ngũ, anh về công tác tại Trung tâm Nghe nhìn, Đài Truyền hình Việt Nam. Anh là họa sĩ được bạn bè Hội Mỹ thuật Việt Nam quý mến. Anh sáng tác nhiều đề tài, nhưng có lẽ đề tài về Chiến dịch Điện Biên Phủ là sâu đậm và thành công hơn cả. Tại cuộc triển lãm mỹ thuật nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tranh của anh được bày trang trọng ở vị trí trung tâm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến xem, khen tranh Phan Thanh Bồng có tính hiện thực cao. Một số tác phẩm chính của anh về Điện Biên Phủ là “Bắt giải tù binh trên đồi Độc Lập” (sơn dầu); “Đột phá khẩu đồi Độc Lập” (sơn dầu); “Ký ức Điện Biên” (sơn dầu)… Một số tranh của anh còn được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lưu trữ.

Với vốn tiếng Pháp, tiếng Nga thông thạo, anh Bồng còn dịch sách, loại dành cho thiếu nhi. Anh cũng có làm thơ, tuy không nhiều. Anh là người giàu tình cảm, đặc biệt sâu đậm nghĩa tình đối với quê hương Quảng Trị:

Đêm nào tôi cũng nghĩ đến quê

Nơi có những hàng rào tre hóp

Tôi còn nhớ bài “Quê hương” của anh:

Thượng Xá quê tôi sắc hương đậm lưỡi

Xin gửi về đây một góc tấm lòng

Một cánh chim bay lạc đàn bay mãi

Tôi mơ màng rú cát với dòng sông…

Một ngày tháng tư năm nay, tôi đang công tác tại TP Hồ Chí Minh thì nhận được tin cháu Du-con đầu của anh báo cha cháu đã ra đi mãi mãi. Tôi bàng hoàng thương xót nhưng không có cách nào về kịp để đến chào vĩnh biệt anh.

Thôi từ nay dưới suối vàng, anh thỏa sức “mơ màng rú cát với dòng sông” đi, anh Bồng nhỉ.