Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 3

Tổng lượt truy cập: 332.537

Th.S Lê Vĩnh Thịnh

Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT

Phân cấp, quy định cụ thể nhiệm vụ gắn với trách nhiệm thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) đường địa phương đến cấp cơ sở vừa đảm bảo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, thực hiện phân cấp, phân quyền vừa góp phần tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm công trình đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ và các công trình phụ trợ khác trên đường bộ phục vụ giao thông và hành lang an toàn đường bộ[1]. Trong công tác an toàn giao thông, cùng với con người (kỹ năng, ý thức tham gia giao thông) và phương tiện, kết cấu hạ tầng giao thông là yếu tố có tính chất quyết định, đảm bảo cho người và các phương tiện tham gia giao thông an toàn, thuận tiện, thông suốt.

Pháp luật về giao thông đường bộ (Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định[2], Thông tư[3]) quy định UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ KCHTGT các tuyến đường địa phương; trách nhiệm của cấp huyện,  xã trong việc bảo vệ KCHTGT đường bộ, quản lý đất hành lang an toàn đường bộ nhưng chưa cụ thể, chưa gắn rõ trách nhiệm dẫn đến một số địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện; nhiều vụ việc vi phạm còn chậm phát hiện, chưa được xử lý dứt điểm, kịp thời.

Description: D:\Thinh\CÔNG TÁC\2023\11.Hành lang đường bộ\z4911301041572_c94d698ebc1548357fcb2f56b19e2d55.jpg

Xử lý vi phạm quy định bảo vệ KCHTGT cầu Ba Bến Km21+324 QL49.C tháng 6/2023. Ảnh: Phan Bá Thiện

Nhằm thực hiện phân cấp, phân quyền, thực hiện tốt công tác bảo vệ KCHTGT đường bộ trên địa bàn, Sở GTVT Quảng Trị đã chủ động tham mưu UBND tỉnh Quyết định số 45/2022/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Phân công, phân cấp, phân nhiệm cụ thể cho Sở GTVT, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện, xã thực hiện. Mặt khác, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã. Đối với cấp xã, Quyết định số 45/2022/QĐ-UBND quy định:Trường hợp để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang an toàn đường bộ tại địa phương thì Chủ tịch UBND cấp xã phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với Chủ tịch UBND cấp xã. Đây là một quy định mới, mang tính đột phá của tỉnh Quảng Trị trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Thời gian tới, Cùng với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới gắn với nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến các cấp ngành thực hiện Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ làm tốt công tác phân cấp, phân quyền; thực hiện có hiệu quả việc quản lý và bảo vệ KCHTGT đường bộ, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.


[1] Khoản 3, Điều 3, Luật số: 23/2008/QH12

[2] Văn bản hợp nhất số 54/VBHN-BGTVT ngày 29 tháng 9 năm 2022 của Bộ GTVT hợp nhất các Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

[3] Văn bản hợp nhất số 33/VBHN-BGTVT ngày 21 tháng 7 năm 2022 của Bộ GTVT hợp nhất các Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-GP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ