Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 208

Tổng lượt truy cập: 270.412

Đại dịch Covid-19 đang tác động tới nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới, trong đó có vấn đề an toàn đường bộ. Để ứng phó với diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều quốc gia đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội. Điều này làm giảm lưu lượng phương tiện giao thông trên đường dẫn đến số vụ tai nạn giao thông đường bộ giảm ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên một số hành vi vi phạm lại gia tăng như: chạy quá tốc độ, vi phạm quy định nồng độ cồn, không thắt dây an toàn khi điều khiển phương tiện hay các vụ va chạm thường có tính chất nghiêm trọng hơn... Do đó, các quốc gia cần nhìn nhận, phân tích tác động của đại dịch Covid-19 một cách toàn diện đến vấn đề an toàn đường bộ.

 

Đại dịch Covid-19 từ khi xuất hiện cho đến nay vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của mỗi quốc gia trên thế giới. Tuy không phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng nhưng chúng đang mang lại những hệ luỵ nhất định. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tổng số ca mắc trên toàn thế giới từ khi phát hiện dịch (12/2019) tới nay đã trên 247,9 triệu ca, trong đó trên 5,02 triệu ca tử vong. Khu vực có số ca mắc Covid nhiều nhất hiện nay là Châu Mỹ (trên 93,9 triệu ca), Châu Âu (trên 77,8 triệu ca), riêng khu vực Đông Nam Á (trên 44 triệu ca). Để đối phó với diễn biến phức tạp, khó kiểm soát của đại dịch Covid-19, hầu hết chính phủ các nước đưa ra các chiến lược quốc gia khác nhau để giảm sự lây lan của đại dịch bao gồm cách ly, đóng cửa trường học, hạn chế đi lại và tụ tập đông người hay biện pháp giãn cách xã hội... Các biện pháp này sẽ tác động trực tiếp đến nhiều mặt trong đời sống của mỗi người dân cũng như các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có vấn đề an toàn đường bộ. Xét trên dữ liệu sơ bộ cho thấy lưu lượng giao thông giảm đáng kể sau khi thực hiện những biện pháp này, tuy nhiên những rủi ro xuất phát từ các hành vi của người lái xe lại tăng lên.
 
Tại Châu Âu, trong số 25 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu thì có đến 19 quốc gia có số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ giảm vào tháng 4 năm 2020 so với tháng 4 giai đoạn 2017-2019 (Hình 1). Có thể thấy ở hầu hết các quốc gia số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm sâu, với mức giảm cao nhất là 84%, 68% và 63% lần lượt tại Ý, Bỉ và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, một số quốc gia như Hà Lan, Slovakia lại có các ca tử vong tăng do tai nạn giao thông. Cụ thể vào tháng 4 năm 2020, 910 người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ tại 25 nước thuộc liên minh Châu Âu so với trung bình 1.415 người vào tháng 4 giai đoạn 2017-2019. Số ca tử vong trung bình do tai nạn giao thông đường bộ giảm rõ rệt (36%) là con số chưa từng có nếu so sánh số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ ở Châu Âu chỉ giảm 3% giữa năm 2018 và 2019 và tăng 24% trong thập kỷ 2010-2019. Cùng chung với xu hướng tương tự tại hầu hết các nước Châu Âu, số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ tại Qatar giảm 51%.
Có thể thấy, tai nạn giao thông đường bộ ở hầu hết các quốc gia đều giảm trong thời gian giãn cách xã hội hoặc thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian thực hiện các biện pháp này các vụ va chạm giao thông xảy ra thường có mức độ nghiêm trọng hơn so với thời gian trước đó. Vì vậy, cần phải đánh giá, xem xét vấn đề an toàn đường bộ ở các quốc gia một cách toàn diện dưới tác động của đại dịch Covid-19 với nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể như:
- Thứ nhất, ảnh hưởng tới tình hình ùn tắc giao thông
Ùn tắc giao thông là vấn đề mà mọi quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ. Trong đó các yêu tố như tốc độ, lưu lượng và mật độ giao thông có mối quan hệ mật thiết với nhau trong hoạt động giao thông đường bộ nói chung. Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid -19, việc hạn chế đi lại đã làm giảm đáng kể khả năng di chuyển của phương tiện (hơn 50% trên toàn thế giới), với mức giảm từ 50 đến 60% các nước Châu Á và 55 đến 80% ở các nước Châu Âu. Điều này đã làm giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông, do đó làm giảm số vụ va chạm giao thông đường bộ. Các làn đường trống trải sẽ được tăng lên cùng với tốc độ của các phương tiện cũng được nâng lên một cách đáng kể. Thống kê cho thấy, số vụ ùn tắc ở ở các nước tại châu Âu giảm từ 25 đến 75% trong thời gian giãn cách xã hội với mức giảm cao nhất là 75% ở Pháp, Tây Ban Nha và Ý vào tháng 4 năm 2020 so với tháng 4 năm 2019.
- Thứ hai, ảnh hưởng đến tốc độ của các phương tiện
Việc điều khiển phương tiện quá tốc độ quy định được dự đoán là sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng của các vụ va chạm giao thông trên trường đã xảy ra trong thời kỳ đại dịch Covid -19. Lưu lượng giao thông giảm đáng kể và các làn đường thông thoáng khiến cho người điều khiển có xu hướng vi phạm quy định về tốc độ nhiều hơn. Tuy tổng số vụ va chạm đã giảm đáng kể với lưu lượng phương tiện thấp nhưng các vụ va chạm xảy ra thường có mức độ nghiêm trọng hơn khi tốc độ của phương tiện được tăng lên. Điều này có thể thấy tại Hà Lan, các vụ va chạm nói chung đã giảm nhưng số người chết trên đường được ghi nhận bởi lực lượng Cảnh sát giao thông lại tăng lên 13%. Trong khi đó tại Tây Ban Nha trong thời gian giãn cách xã hội (từ 15/ 3 - 27/ 5/2020) lưu lượng phương tiện đã giảm 62% trên đường ngoài đô thị nhưng vi phạm quy định về tốc độ lại gia tăng với tỉ lệ cao. Các hành vi vi phạm tốc độ được phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát tại đây đã tăng lên tới 39%. Còn tại Ý, Cảnh sát quốc gia đã tăng cường tổng cộng 7% số lần tuần tra đường bộ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và số lần bị xử lý vì chạy quá tốc độ cũng như không đội mũ bảo hiểm đều tăng lên so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ người lái xe phạm quy định về tốc độ tại Đan Mạch cũng tăng 10%. Đối với dữ liệu thu thập thông qua hệ thống camera cho thấy tỉ lệ người lái xe vi phạm quy định tốc độ tại Pháp tăng 16% trong vi phạm giới hạn tốc độ nghiêm trọng nhất (trên 50% tốc độ giới hạn theo luật định), còn tại Tây Ban Nha tăng 39% trên đường ngoài đô thị so với cùng kỳ năm 2019. Estonia cũng đã chứng kiến mức tăng 22% lái xe vượt quá tốc độ cho phép trên cao tốc, đường giao thông nông thôn so với giai đoạn 2018-2019. Điều này xảy ra trên thực tế là do lực lượng Cảnh sát thực thi pháp luật hiện diện trên đường ít hơn trong thời kỳ này. Vào thời điểm xảy ra đại dịch, họ đã tham gia hỗ trợ vào các hoạt động khác như điều tiết, kiểm soát giao thông tại các chốt kiểm dịch.
     Thứ ba, ảnh hưởng đến làn đường giao thông
Số làn đường thông thoáng tăng lên trong thời gian đại dịch Covid-19 xuất phát từ việc lưu lượng giao thông giảm do các hạn chế đi lại theo quy định. Từ đó người điều khiển phương tiện thường vi phạm quy định về tốc độ trong thời gian giãn cách xã hội. Khi đó số vụ va chạm trên đường tuy giảm nhưng mức độ nghiêm trọng khi xảy ra tai nạn sẽ tăng lên với việc người điều khiển thường di chuyển với tốc độ cao.
     Thứ năm, ảnh hưởng đến hành vi lái xe
Những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 không chỉ làm giảm lưu lượng giao thông trên đường mà còn có thể làm thay đổi thói quen khi tham gia giao thông dẫn đến hành vi lái xe cũng điều chỉnh theo. Hành vi lái xe sẽ quyết định được mức độ an toàn cho người tham gia giao thông. Chính vì vậy, nắm bắt được hành vi lái xe là điều cần thiết để nâng cao an toàn giao thông đường bộ trong thời kỳ ứng phó với dịch Covid - 19. Thực tế, các yếu tố liên quan đến tâm lý lo lắng về việc lây nhiễm vi rút và các hạn chế của Chính phủ quy định cũng có thể tác động mạnh đến hành vi lái xe của người điều khiển phương tiện. Điều này có thể khiến một số hành vi lái xe không an toàn như chạy quá tốc độ, sử dụng điện thoại di động và không thắt dây an toàn cũng tăng lên trong thời kỳ giãn cách xã hội. Ngoài ra, nhiều lái xe còn bị mất tập trung khi điều khiển phương tiện và sử dụng rượu bia hoặc chất ma túy. Do đó cần phân tích, nghiên cứu những thay đổi về hành vi lái xe trong thời kỳ giãn cách xã hội và sau khi quay trở lại trạng thái bình thường.
Thứ sáu, ảnh hưởng đến tâm lý của người lái xe
Đại dịch Covid-19 tác động tâm lý lớn đến cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Khi đó sẽ xuất hiện các cảm xúc tiêu cực chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng tăng lên sau khi bùng phát dịch Covid-19. Thái độ sợ bị kỳ thị, giảm tương tác xã hội và bị cách ly là những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn bên trong của các vấn đề sức khỏe. Những hệ luỵ của các cảm xúc tiêu cực đó dẫn đến sự mất tập trung, gây ảnh hưởng có hại đến hành vi lái xe và những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, một số thành phố lớn trên toàn cầu như Philadelphia, Calgary, Berlin, Bogota đã tạm thời thay thế tạm thời làn đường giao thông trong thời gian giãn cách xã hội tại một số khu vực cụ thể để hỗ trợ cho người đi bộ và đi xe đạp. Đây là một nỗ lực nhằm cải thiện hoạt động thể chất và giảm thiểu các tác động tâm lý gây ra bởi đại dịch Covid-19.
Dựa trên những đặc điểm đã phân tích cũng như diễn biến phức tạp và lâu dài của đại dịch Covid-19 để cải thiện mức độ an toàn đường bộ, các quốc gia tại Châu Âu và khu vực khác đã đưa ra một số khuyến nghị ở cấp quốc gia. Các khuyến nghị dưới đây có thể xem là bài học kinh nghiệm phù hợp với điều kiện kinh tế, hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, bao gồm:
Cần phải xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển giao thông vận tải dựa trên phân tích, so sánh dữ liệu một cách đầy đủ, toàn diện tác động của các biện pháp y tế cộng đồng cũng như giãn cách xã hội đối với tất cả các nhóm người tham gia giao thông. Thiết lập cơ chế giám sát và thúc đẩy hoạt động thực tiễn liên quan đến an toàn đường bộ như một vấn đề trong kế hoạch phát triển an toàn đường bộ bền vững. Gắn mục tiêu đảm bảo an toàn đường bộ trong thời kỳ ứng phó đại dịch Covid - 19 với các mục tiêu phát triển khác.
Thu thập dữ liệu di chuyển của tất cả đối tượng tham gia giao thông như người đi bộ, đi xe đạp, ô tô, xe tải... theo các loại đường, tuyến đường cụ thể trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và sau khi trở lại trạng thái bình thường của các hoạt động tham gia giao thông. Từ đó có cơ sở đánh giá đúng đắn những tác động ảnh hưởng của Covid - 19 tới vấn đề an toàn đường bộ.
Khuyến khích chính quyền địa phương áp dụng giới hạn tốc độ 30 km/h với các biện pháp làm dịu giao thông trong các khu dân cư, khu vực có nhiều người đi bộ, người đi xe đạp, trên đường đến trường học và tốc độ tối đa là 50 km/h ở nơi khác trong khu vực đô thị. Ưu tiên cho phương thức đi bộ, tiếp theo là đi xe đạp và cải thiện khả năng tiếp cận dễ dàng hơn sử dụng phương tiện giao thông công cộng..
Hoạt động cưỡng chế các hành vi vi phạm luôn là một trong nhưng công cụ hiệu quả trong thay đổi hành vi của các đối tượng tham gia giao thông. Do đó, cần tăng cường hỗ trợ các hoạt động cưỡng chế đối với các hành vi vi phạm gia tăng trong thời gian giãn cách xã hội như: chạy quá tốc độ, không thắt dây an toàn, vi phạm quy định nồng độ cồn, sử dụng điện thoại khi lái xe, đặc biệt là đối với hành vi chạy quá tốc độ trong khu vực thành thị, nơi có lưu lượng người đi bộ và người đi xe đạp cao.