Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 577

Tổng lượt truy cập: 332.351

ĐƯỜNG LỚN, VẪY GỌI ĐẦU TƯ

Ảnh 1: Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ và Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra hiện trường Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh (Quảng Bình) - Cam Lộ (Quảng Trị) tháng 3/2021

ĐƯỜNG LỚN, VẪY GỌI ĐẦU TƯ

 

Dù ai đi ngược, về xuôi, vào Nam hay ra Bắc, đều qua Quảng Trị. Quảng trị là nơi eo thắt, được ví như chiếc đòn gánh của hai đầu đất nước; chính vì vậy mà Quảng Trị có một vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển của miền Trung cũng như cả nước…

Quảng Trị là điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), về phía Việt Nam đi qua hai cửa khẩu quốc tế, cầu nối thuận lợi trong liên kết hội nhập, hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế; đây cũng là điểm nối giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương và kết nối hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.

Quảng Trị cũng là giao điểm của trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam và Đông - Tây của quốc gia, đã được quy hoạch và sắp triển khai các dự án đầu tư:

Trục giao thông Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây; đường sắt thống nhất Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao; đường bộ ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây (Quốc lộ 9) qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (EWEC) và hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây (Quốc lộ 15D) qua cửa khẩu quốc tế La Lay (PARA EWEC), tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; đường sắt Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo….

Nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thành một số dự án trọng điểm, động lực, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các công trình giao thông quan trọng, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay với cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và hệ thống giao thông quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Quốc lộ 15D, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1 về cảng Cửa Việt, đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; đốc thúc, đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy; Cửa Việt bờ Bắc và bờ Nam…

Lãnh đạo tỉnh có kế hoạch đã và đang tích cực làm việc với Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư..

Đến nay, Chính phủ đã có sự chỉ đạo và giao cho tỉnh thẩm quyền lập dự án, chuẩn bị các thủ tục đầu tư của một số công trình quan trọng, trình Chính phủ xem xét và phê duyệt, cụ thể là:

- Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch với chức năng là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; quy mô: Sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II; Cảng có công suất: 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; đến năm 2030 có diện tích sử dụng đất là 316,572ha của ba xã Gio Quang, Gio Mai, Gio Hải, huyện Gio Linh. Tại Văn bản số 447/TTg-CN ngày 06/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án đã được các đơn vị chuẩn bị dự án PPP hoàn thành hồ sơ đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 2.913 tỷ đồng (vốn do nhà đầu tư huy động 2.680 tỷ, ngân sách địa phương: 233 tỷ).

Hồ sơ đã được trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành); hiện nay, các đơn vị liên quan đang hoàn thiện hồ sơ theo các ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; về phía tỉnh đã và đang chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi có quyết định triển khai dự án.

- Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ: Điểm đầu dự án tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và điểm cuối nối với đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn; chiều dài tuyến khoảng 68km đi qua hai tỉnh Quảng Bình (khoảng 34km) và Quảng Trị (khoảng 34km); dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 9.564 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư: 4.792 tỷ,  ngân sách nhà nước hỗ trợ: 4.772 tỷ), thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 21 năm 4 tháng; Việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ nhằm từng bước hoàn thiện nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối các Trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông, nâng cao năng lực vận tải Bắc - Nam, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, nhất là tại cửa ngõ các đô thị; phát huy hiệu quả vốn đầu tư các dự án đường cao tốc đã và đang triển khai; góp phần quan trọng vào sự  phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của khu vực nói chung và tỉnh Quảng Trị; Trên cơ sở đã có quy hoạch, tỉnh đã có chỉ đạo việc xây dựng, lập hồ sơ thủ tục trình chính phủ và Thủ Tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc giao cho UBND tỉnh Quảng Trị là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án theo phương thức PPP

Dự án tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo: Dự án có chiều dài khoảng 70km: nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe và tiến trình đầu tư và hoàn thành trước năm 2030; sau đầu tư xây dựng hoàn thành sẽ là trục giao thông quan trọng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối thuận lợi với các nước Myanma, Thái Lan, Lào; tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trong khu vực, cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh; đặc biệt hỗ trợ công tác phòng chóng thiên tai, giảm thiểu tai nạn giao thông; hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương chấp thuận giao UBND tỉnh Quảng Trị là Cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo phương thức PPP.

- Quốc lộ 15D là tuyến đường nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay tỉnh Quảng Trị dài 92km được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào Quy mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuyến Quốc lộ 15D hình thành có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, đồng thời cũng là điểm kết nối với tuyến đường chiến lược Quốc lộ 15B của nước bạn Lào và hệ thống đường bộ của Thái Lan và Myanma,  tạo ra một trục hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây, nối liền Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN; đồng thời hình thành tuyến nối biển Đông và Ấn Độ Dương (khoảng hơn 1.300km), tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương; giao thoa, cộng hưởng trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội cũng như hợp tác thương mại, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tăng khả năng kết nối trong khu vực; điều tiết giao thông, hỗ trợ cho nhau khi có sự cố về an toàn giao thông, thiên tai lũ lụt, gây ách tắc đối với các tuyến giao thông huyết mạch; Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang tranh thủ sự ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số đoạn, đồng thời tích cực huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư nối thông toàn tuyến.

- Dự án khu bến cảng Mỹ Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 685ha, với 10 bến, đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. Việc hình thành Khu bến cảng Mỹ Thủy có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng và phát triển các dự án động lực thuộc Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

Dự án cũng là điểm phục vụ đắc lực cho nhu cầu của các khu công nghiệp trên địa bàn, thu hút lượng lớn hàng hóa quá cảnh cho Lào, Đông bắc Thái Lan trên tuyến (EWEC).

Ảnh  2: Tuyến Quốc lộ 15D nối từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay
 

- Dự án tuyến đường phía Tây Quốc lộ 1: Dự án có chiều dài khoảng 58km, điểm đầu giao với Quốc lộ 9D, huyện Vĩnh Linh cách Quốc lộ 1 khoảng 1,8km, nhánh đi về phía tây QL 1 khoảng 3km đến 5 km, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 15D tại vị trí cách Quốc lộ 1 khoảng 3,0km về phía Tây. Dự án được đầu tư xây dựng với mục tiêu là tránh các điểm đông dân cư qua các thị trấn, thị xã, thành phố nằm dọc Quốc lộ 1 của tỉnh Quảng Trị; đồng thời phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả quỹ đất dồi dào vùng phía Tây Quốc lộ 1; bên cạnh đó cũng góp phần đảm bảo an toàn giao thông ở các vùng đô thị; hiện nay, dự án đang triển khai nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục để đầu tư xây dựng.

Quảng Trị, một tỉnh nghèo, lại trải qua bao biến cố của thiên tai khắc nghiệt và tàn phá có tính hủy diệt của chiến tranh; trong đau thương mất mát, Quảng Trị vẫn kiên cường chống chịu, vượt qua và đi lên mạnh mẽ như cây, như cỏ nơi miền quê đầy nắng gió. Quảng Trị cũng một thời được bè bạn trong và ngoài nước biết đến và vẫn không bao giờ lãng quên của thời hiện tại.

Đi ra từ hai cuộc chiến tranh, Quảng Trị cũng như bao nhiều miền quê khác của miền Trung ruột thịt, đã trải qua Đạn bom và Mưa nắng thất thường, giờ đây, thời gian đủ khõa lấp nỗi đau của chiến tranh nhưng suốt một thời gian phục sinh Đất đai, cái mới đã định hình, cái cũ vẫn còn đan xen; vì vậy, Quảng Trị vẫn mang trong mình bao trăn trở lo toan cho bước đường đi tới: Bước đường xây dựng Quảng Trị thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng an ninh, xứng danh là mãnh đất miền Trung khói lữa…

Đối với ngành giao thông vận tải, nói đến Quảng Trị cũng là nói đến niềm tự hào và truyền thống vinh quang của ngành; trong chúng ta vẫn còn nhớ mãi vào những năm chiến tranh ác liệt nhất, Đảng và Nhà nước và quân đội ta đã xây dựng con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, với những con tàu không số, ngày đêm vượt qua hàng ngàn hải lý với sự bủa vây của máy bay và tàu chiến Mỹ, chở hàng vạn tấn lương thực, thuốc men, vũ khí, chi viện cho chiến trường miền Nam; cũng vào thời điểm đó, ở Vĩnh Linh, Quảng Trị cũng đã hình thành một con đường trên Biển, với hàng trăm lượt, bằng những Thuyền Gỗ, lợi dụng ban đêm luồn lách sự phong tỏa, bủa vây của tàu chiến, Máy bay Mỹ, tiếp tế cho Đảo Cồn cỏ - con mắt thần giữa trùng khơi, với quyết tâm “Vĩnh Linh còn thì đảo còn” và câu nói như là một thông điệp của người dân Vĩnh Linh “Xe không qua, nhà không tiếc”; đã có nhiều cụ già tự nguyện tháo dỡ ngôi nhà yêu quý của mình để lấy gỗ lát đường cho xe đi; đó cũng là yếu tố quyết định cho hàng ngàn chuyến xe quân và dân sự qua địa bàn Vĩnh Linh thông suốt; điều đó một lần nữa khẳng định rằng trong sự nghiệp cách mạng thành công đều có bóng dáng của người nông dân áo vải trên mặt trận Giao thông - Vận tãi, “đi trước mở đường”…

Hơn 46 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cùng với cả nước, Quảng Trị đã và đang từng bước đi lên, trong tiến trình phát triển chung của tỉnh, ngành Giao thông vận tải cũng đã có bước tiến rất đỗi tự hào; đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng của Ngành phát triển tương đối mạnh, cùng với hệ thống giao thông của quốc gia, đã đáp ứng phần nào nhu cầu về phát triển kinh tế cũng như giao thương đi lại của nhân dân; tuy vậy, Quảng Trị vẫn là tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất thuộc lĩnh vực giao thông vận tải còn nhiều trăn trở. Quảng Trị rất mong muốn Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, tiếp tục quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn cho Quảng Trị. Quảng Trị chân thành kêu gọi và rất mong các nhà đầu tư hãy đến với Quảng Trị, mảnh đất lành - con người thật thà hiền dịu, đang dang rộng cánh tay chào đón và lãnh đạo tỉnh cũng sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm khi đến và làm việc với Quảng Trị; nơi mãnh đất cằn cỗi, khói lửa năm nào, nay trở thành miền đất hứa, hiền lương đầy khát vọng…

                                                                    

              Trần Hữu Hùng 

TUV - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Trị