Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 437

Tổng lượt truy cập: 260.714

Mừng quê hương, đất nước hoàn toàn giải phóng, hưởng ứng lời kêu gọi của tỉnh, ngành Giao thông vận tải Quảng Trị đã tập trung lực lượng khôi phục các tuyến đường: thị xã Quảng Trị - Đại Hào - đường 64, thị xã Quảng Trị - Hội Yên - đường 68, Diên Sanh - Mỹ Thuỷ, Tam Hữu - Gia Đẳng, Mỹ Chánh - Hải Tân, thị xã Quảng Trị - Hải Lệ v.v... nhằm góp phần sớm ổn định tình hình nhân dân ở vùng vừa mới giải phóng như thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và 5 xã phía nam của huyện Triệu Phong.

Hệ thống cầu đường của Tỉnh trải qua gần 30 năm chiến tranh đều bị hư hỏng nặng, thời gian hơn hai năm kể từ ngày ký kết Hiệp định Paris tuy có tập trung lực lượng để sửa chữa, khôi phục nhưng vẫn ở dạng chắp vá. Để có đủ khả năng bảo đảm giao thông vận tải trong giai đoạn mới, được sự đồng ý của Bộ, Ty Giao thông vận tải Vĩnh Linh sáp nhập vào Ty Giao thông vận tải Quảng Trị. Ty Giao thông vận tải Quảng Trị lúc này tăng thêm cả về số lượng cán bộ công nhân viên và trang thiết bị máy móc, đủ khả năng thực hiện chủ trương của Tỉnh đề ra là: “Ngành Giao thông vận tải phải tập trung toàn bộ lực lượng cho công tác quản lý, sửa chữa các tuyến đường bảo đảm giao thông thông suốt và từng bước nâng cấp, phục vụ kịp thời yêu cầu vận tải, sự đi lại của nhân dân và làm mới một số công trình cấp thiết...”.

        Thực hiện chủ trương đó, Công ty 16 thuộc Cục Công trình I tập trung lực lượng thi công quốc lộ 1 đoạn từ cầu Hiền Lương đến chân Dốc Miếu. Với tinh thần khắc phục khó khăn về phương tiện máy móc, phát huy sáng kiến, trong 4 tháng cuối năm 1975 và đầu năm 1976, Công ty đã đào đắp 16.000 m3 đất đá, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành bàn giao công trình trước một tháng.

        Về vận tải: Đoàn xe 1-5 của Quảng Trị và Xí nghiệp ô tô vận tải của Vĩnh Linh sáp nhập thành Công ty ô tô vận tải 1-5 Quảng Trị, với số lượng xe vận tải hàng hoá 200 chiếc, số xe vận tải hành khách 19 chiếc loại 40 chỗ ngồi trở lên.

        Sau khi thực hiện việc đón nhân dân huyện Hải Lăng đi sơ tán ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh trở về, đón hàng vạn nhân dân năm 1972 chạy vào các tỉnh phía nam trở về quê, lực lượng vận tải của Công ty tiếp tục phục vụ tốt các chiến dịch do Tỉnh chủ trương như: “Đường 9 anh hùng - Đông Xuân 1975 - 1976 đại thắng lợi”, “Cuộc vận động nhân dân các huyện Triệu Phong, Hải Lăng… đi xây dựng vùng kinh tế mới ở tây Gio Linh, Khe Sanh - Lao Bảo - Hướng Hoá, phục vụ cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội chung của cả nước trong tháng 4/1976…”.

        Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, từ tháng 4/1976, bốn đơn vị hành chính cấp tỉnh là Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên.

        Bình Trị Thiên vốn là một vùng đất nghèo khó và lại bị 30 năm liền chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề. Tình trạng giao thông vận tải của Bình Trị Thiên cũng như trên cả nước đều yếu kém và lạc hậu, không đủ đáp ứng yêu cầu của công cuộc tái thiết quê hương sau chiến tranh và nhu cầu xây dựng ngày càng tăng  phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, an ninh, quốc phòng…

        Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên, bốn ty giao thông vận tải của bốn đơn vị cấp tỉnh: Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị, Thừa Thiên sáp nhập thành Ty Giao thông vận tải, sau đó gọi là Sở Giao thông vận tải Bình Trị Thiên, do đồng chí Lê Viết Cống làm trưởng ty, các đồng chí: Lê Văn Giai, Nguyễn Đình Chi… làm phó ty. Bộ phận văn phòng của Ty gồm các đồng chí: Đặng Lộ - Trưởng phòng Hành chính, Nhơn - Trưởng phòng         Tổ chức, Cao Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch, Nguyễn Xuân Hoà - Trưởng phòng Quản lý Giao thông, Sừng - Trưởng phòng Vận tải, Võ Hồng - Trưởng phòng tài vụ, Thái Mầu - Trưởng phòng Công nghiệp, Lê Văn Soa - Phụ trách Ban Quản lý công trình, Song - Phụ trách công tác Thanh tra, Kiểm và Lợi - Phụ trách công tác Công đoàn Ngành.

        Lúc mới thành lập, Ban Lãnh đạo Ty chủ trương tổng hợp kế hoạch năm 1976 của bốn Ty cũ (Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị, Thừa Thiên) làm kế hoạch của Ty, trong đó có phân tích, bổ sung công trình quốc lộ 1A và quốc lộ số 9 được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở đó, Ty đề nghị với Uỷ ban nhân dân Tỉnh và Bộ Giao thông vận tải bổ sung lực lượng, chỉ tiêu để thực hiện kế hoạch năm 1976, đồng thời chuẩn bị kế hoạch cho các năm sắp tới…; phân bổ lại lực lượng phương tiện và đơn vị quản lý cầu đường trên ba địa bàn: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên; thành lập Xí nghiệp Liên hợp công trình giao thông do đồng chí Nguyễn Hoàng - Phó Ty trực tiếp làm giám đốc.

        Được Bộ Giao thông vận tải phân cấp quản lý các tuyến quốc lộ đoạn đi qua địa bàn như quốc lộ 1A, quốc lộ 9, quốc lộ 14, tinh thần quyết tâm đặt ra lúc này là: phải biết tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tranh thủ sự giúp đỡ của trung ương để khôi phục, phát triển với tốc độ nhanh về giao thông vận tải mới có thể đáp ứng được những nhu cầu của xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

        Thời gian các năm cuối của thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80, ngành Giao thông vận tải Bình Trị Thiên đã tận dụng thuận lợi của vận tải thuỷ, góp phần đắc lực của mình trong việc khôi phục tuyến đường Bắc - Nam, vừa cải tạo, vừa xây dựng hệ thống đường bộ phát triển giao thông nông thôn, đặc biệt là ở miền núi, đường vào các khu kinh tế mới, đường ra các xã ven biển.

Thực hiện khẩu hiệu: “Lấy cầu cũ làm cầu mới”, “Lấy đường cũ làm đường mới”, cán bộ công nhân viên giao thông vận tải ở các địa bàn Bến Hải, Triệu Hải, Đông Hà đã tận dụng vật tư của các cầu cũ do chiến tranh sót lại, đem làm cầu ở các lộ, huyện lộ có hiệu quả.

        Về vận tải biển: Công ty Thuỷ Quảng Trị và Công ty Thuỷ Quảng Bình sáp nhập lại thành Công ty Thuỷ Bình Trị Thiên. Công ty này do đồng chí Võ Doãn Hào làm giám đốc, với nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá, vật tư, đá, thạch cao cho các Nhà máy xi măng Đông Hà, Áng Sơn, Long Thọ, vận chuyển than, dầu cung cấp cho các nhà máy điện trong Tỉnh, vận chuyển lương thực, phân bón…

        Ty đã tổ chức cử cán bộ, chuyên gia sang giúp nước bạn Campuchia, trong đó giúp bạn tu sửa, đóng mới 4 tàu đi biển Hồ (Phnôm Pênh), được nhân dân Xiêm Riệp (Campuchia) khen ngợi…

        Các năm 1983 - 1985, cán bộ, công nhân viên ngành Giao thông vận tải cùng với các ngành khác và nhân dân địa phương tháo gỡ khó khăn, phấn đấu ổn định tình hình kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh thường xuyên bị thiên tai… Trận lụt năm 1983, cầu Mỹ Chánh bị lũ cuốn trôi. Để bảo đảm giao thông vận tải tuyến quốc lộ 1A, Bộ Giao thông vận tải giao cho Sở sau 12 ngày phải bắc xong cầu Mỹ Chánh. Được sự hỗ trợ của Sở Giao thông vận tải Quảng Nam - Đà Nẵng cung cấp cầu Bailey, các đơn vị trong Ngành mà trực tiếp là Xí nghiệp Liên hợp công trình giao thông huy động cán bộ công  nhân viên làm việc cả ngày lẫn đêm, nên chỉ sau 10 ngày đã thông xe cầu Mỹ Chánh.

        Tháng 10/1985, trong vòng 15 ngày, cơn bão số 7 cùng với lũ lớn tàn phá nặng nề chưa kịp khắc phục thì tiếp nối hai ngày 15 và 16 tháng 10, cơn bão số 8 ập đến quét dọc Tỉnh, kéo dài trong 22 tiếng đồng hồ với sức gió cấp 11, 12, giật trên cấp 12, cùng với sóng to, triều biển dâng cao gây thiệt hại nặng nề chưa từng có. Đường sắt, đường bộ, kể cả quốc lộ và đường địa phương đều bị xói lở, hư hỏng nghiêm trọng, giao thông vận tải ách tắc nhiều ngày.

Trước tình hình đó, ngành Giao thông vận tải đã tập trung lực lượng khẩn trương bám các địa bàn đường sá bị hư hỏng nặng, xử lý nhanh chóng, bảo đảm thông xe.

        Công ty Vận tải ô tô cũng như Công ty Vận tải thuỷ cùng các ngành khác và địa phương chăm lo giải quyết công việc cấp bách trước mắt về ăn, chỗ ở tạm, tổ chức cứu trợ nhân dân v.v…

        Công tác giao thông nông thôn được coi trọng, ngành Giao thông vận tải cùng các cấp chính quyền địa phương vận động nhân dân xây dựng đường mới, tu sửa đường, với phương châm: Dân làm là chính, vật tư tại chỗ là chính, kỹ thuật phổ cập là chính. Nhờ đó, từng bước đưa lực lượng vận tải thô sơ và cơ giới xuống được thôn xóm, một phần đồng ruộng để giải phóng đôi vai cho nông dân.

        Tuy đường sá xây dựng chưa được hoàn chỉnh, chưa vào cấp trong, tình hình kinh tế ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng việc nâng cấp và kéo dài mạng lưới giao thông ở đồng bằng và miền núi đã tạo nên mạng lưới giao thông khá thuận lợi phục vụ cho phát triển kinh tế ở các địa phương trên địa bàn, tạo điều kiện khai thác, phát triển kinh tế ở một số vùng gò đồi, miền núi.

        Về vận tải: Ngành từng bước củng cố và tăng cường công tác quản lý đối với khối hợp tác xã vận tải ô tô và hợp tác xã vận tải đường sông.

        Căn cứ yêu cầu của nhân dân, nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, Ngành đã có kế hoạch phân phối lực lượng vận tải. Ngoài phương tiện vận tải cơ giới, vẫn chú trọng đến phát triển phương tiện vận tải thô sơ, kết hợp giữa vận tải cơ giới với vận tải thô sơ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội…

 

*

*            *

 

        Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra ba chương trình kinh tế lớn: “lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu”.

        Trước yêu cầu và nhiệm vụ của ba chương trình trên, trong công cuộc đổi mới, ngành Giao thông vận tải được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh và Bộ Giao thông vận tải, sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, các ngành… cán bộ công nhân viên ngành Giao thông vận tải từng bước tham gia vào quá trình đổi mới, chuyển đổi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Toàn Ngành  dấy lên phong trào thi đua quyết tâm xây dựng Ngành phát triển, phục vụ cho công cuộc đổi mới quê hương.

        Nhìn lại 13 năm từ ngày sáp nhập ba tỉnh Bình - Trị - Thiên đến ngày tách tỉnh, ngành Giao thông vận tải Quảng Trị chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước. Các đơn vị đã đem hết năng lực xây dựng ngành Giao thông vận tải Bình Trị Thiên ngày càng lớn mạnh, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Bình Trị Thiên qua các kỳ Đại hội I, II, III… Các đơn vị phát huy truyền thống trong thời kỳ chống Mỹ, quyết tâm vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển các hoạt động giao thông vận tải, phục vụ tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kết quả cụ thể:

  • Tuyến quốc lộ 1A: đoạn Chấp Lễ - Đông Hà được nâng cấp, mở rộng, cải tạo đoạn qua Dốc Miếu, mặt đường được rải nhựa rộng 7 m. Các cầu cống trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn Quảng Trị như: cầu Khay, Chấp Lễ, Dốc Miếu, Hà Trung, Hà Thanh, Đập Huyện, Mỹ Hoà, Sòng, Lập Thạch, Trung Chỉ, Lai Phước, Phước Mỹ, Ái Tử, Nhan Biều, cầu Dài I, cầu Dài II, Bến Đá, Mỹ Chánh, Câu Nhi… đều được xây dựng bằng bê tông hoặc bê tông liên hợp dầm I.
  • Tuyến quốc lộ 9: đoạn từ Đầu Mầu đến Lao Bảo, nền, mặt đường được mở rộng cải tạo các đoạn cua ngoặt, dốc lớn, toàn bộ mặt đường được rải nhựa rộng 7 m; cầu cống đều được khôi phục, xây dựng vĩnh cửu hoặc bán vĩnh cửu, trong đó có một số cầu đòi hỏi kỹ thuật phức tạp như cầu Đầu Mầu được xây dựng kết cấu vòm hai chiều, cầu Rào Quán bằng bê tông liên hợp I có mố trụ cao, cầu Khe Sanh kết hợp thuỷ điện…
  • Tuyến quốc lộ 15: đoạn Cam lộ - Bến Tắt, làm mặt đường cấp phối, trong đó có 6 km ngang qua nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được rải nhựa rộng 3,5 m. Từ Ngã tư đất trở ra giáp Quảng Bình mặt đường cấp phối, các ngầm được xử lý bằng đường tràn đá hộc; cầu Đuồi và cầu Phú Ân bảo đảm giao thông bằng cầu dầm Bailey, mặt gỗ.
  • Tiếp nhận quốc lộ 14: do Binh đoàn Trường Sơn chuyển giao. Đây là tuyến được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, mặt đường nhựa rộng 6 m, cầu cống trên đường này được xây dựng hoàn chỉnh vĩnh cửu. Do đường mới, nền đường chưa ổn định nên hằng năm thường sạt lở, sụt trượt. Sở phải tập trung lực lượng tu bổ, nhất là sau các trận mưa lũ, đảm bảo giao thông không bị ách tắc.
  • Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ: đường Bãi Hà - Tư Chính, mặt đường cấp phối; cầu Khe Cáy, cầu Điện được xây dựng bằng dầm bê tông cốt thép liên hợp; đường Lâm - Sơn - Thuỷ: mặt đường cấp phối; cầu Châu Thị làm bê tông liên hợp dầm I; đường 75 Tây (chợ Cầu - Cồn Tiên) và đường 75 Đông (chợ Cầu - Chợ Hôm ), mặt đường cấp phối; Làm mới 2 cầu: Bến Sanh, Bến Ngự; Hai tuyến đường 64 và 68: vì đặc điểm riêng của hai tuyến này (có nhiều cầu tương đối dài) nên công việc chủ yếu là tập trung gia cố các cầu để bảo đảm giao thông; Làm mới 4 cầu: cầu Triệu Vân (đường 64), cầu Triệu Tài (đường 68), cầu Hội Yên 1 và 2 (đường 8); Làm mới tuyến đường từ thị xã Quảng Trị đến đập Trấm để phục vụ thi công đập Trấm; Làm lại tuyến đường Tân Long - Lìa nhằm phục vụ vùng kinh tế mới ở vùng Lìa; Tuyến đường 15N: tập trung nâng cấp đoạn từ thị trấn Cam Lộ đến Cùa dài 11 km; Làm mới một số tuyến đường ở các thị trấn: Hồ Xá - Vĩnh Linh, Khe Sanh - Hướng Hoá và 2 thị xã: Đông Hà, Quảng Trị; Mặt đường của các tuyến mới xây dựng chủ yếu vẫn là đường cấp phối và đá dăm.
  • Đường sông: củng cố, nạo vét luồng Cửa Việt - Đông Hà, bảo đảm cho phương tiện vận tải có trọng từ 150 tấn đến 250 tấn ra vào cảng Đông Hà.