Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 540

Tổng lượt truy cập: 332.314

Nước non ngàn dặm

Nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/01/1973 - 27/01/2023), xin gợi nhớ về cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải trong những ngày đầu lập lại hòa bình theo Bút ký chân dung “Cánh gió chưa rời” của nhà báo Phan Quang.

Xin trân trọng giới thiệu!Nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/01/1973 - 27/01/2023), xin gợi nhớ về cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải trong những ngày đầu lập lại hòa bình theo Bút ký chân dung “Cánh gió chưa rời” của nhà báo Phan Quang.

Xin trân trọng giới thiệu!

Nước non ngàn dặm

Tôi cực kỳ ngạc nhiên và thú vị, bất ngờ gặp anh Tố Hữu tại vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị, sau khi Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam vừa ký kết có được mấy ngày. Anh cùng đi với anh Lê Văn Lương. Tôi đồ chừng hai đồng chí lãnh đạo đi nắm tình hình thực tế vùng giáp ranh giữa ta và chính quyền Sài Gòn, và trực tiếp chỉ đạo tại chỗ.

Hôm ấy là ngày áp Tết Quý Sửu. Hiệp định Paris ký chính thức tại Paris ngày 27-01-1973, có hiệu lực lúc 24 giờ (giờ GMT) ngày hôm ấy (tính theo giờ Hà Nội là 7 giờ sáng ngày 28-01-1973). Về nguyên tắc, mọi hoạt động quân sự của hai bên sau giờ ấy phải im bặt, song trên thực tế tại Quảng Trị súng vẫn nổ. Pháo lớn vẫn rền trời. Trận đánh giành giật cảng Cửa Việt chưa kết thúc. Tỉnh Quảng Trị, trừ một số thôn ven bờ sông Mỹ Chánh giáp giới với tỉnh Thừa Thiên, hầu như bị bom đạn Mỹ san bằng. Mọi người đến Quảng Trị hồi ấy đều tự mắt chứng kiến cảnh hủy diệt, khi băng qua Đông Hà, Thành Cổ về huyện Triệu Phong nơi quân ta và quân ngụy cùng ngoi lên khỏi chiến hào bắt tay nhau trò chuyện, lúc này có ai đó muốn tìm một khúc tre tươi đủ dài để làm một cán cờ, tìm khắp mấy thôn, không đâu còn bụi tre cao quá đầu người.

Tối 27-1, trong tiếng bom B52 của Mỹ và tiếng đại pháo của hai bên vẫn nổ đinh tai nhức óc, công binh ta tranh thủ bắc chiếc cầu phao nối liền hai bờ sông Hiền Lương. Bảy giờ sáng ngày 28-1, giờ Hà Nội, tức tám giờ, giờ Sài Gòn, chiếc xe con của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sĩ Thản (tức Thành), thận trọng lăn bánh qua mặt cây cầu nổi lát những tấm ván thơm mùi gỗ tươi, theo Quốc lộ 1 tiến vào phía Nam. Xe tôi lăn bánh theo. Sau mấy ngày thăm anh em chiến sĩ ở các chốt và trò chuyện cùng một số lính Sài Gòn trên đường giáp ranh, tôi quay về cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị, thì ngỡ ngàng gặp hai đồng chí lãnh đạo vừa mới vào đến nơi.

Anh Lê Văn Lương đáp ngay thuyền máy ra đảo Cồn Cỏ thăm các chiến sĩ chốt ở đảo nhỏ anh hùng. Anh ôm chặt hồi lâu Anh hùng Trưởng đảo Thái Văn A. Hai người cùng rơi nước mắt. Anh Lương nói: “Ôm Thái Văn A, tôi ôm cả đảo Cồn Cỏ vào lòng”. Anh Tố Hữu vào Đông Hà làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Anh Lành Tết năm ấy bước sang tuổi 53: “Nửa đời, tóc ngả màu sương/ Nhớ quê, anh lại tìm đường thăm quê…”.

Hồi ấy, chưa một cơ quan nào có thể ghé chân trong thị xã chỉ còn là những đống gạch ngói, bê tông đổ nát ngổn ngang và đầy rẫy mìn, bom chưa nổ. Cơ quan Tỉnh ủy tạm đóng tại xã Cam Thanh, bờ bắc sông Hiếu. Chiều ba mươi Tết, một cuộc mít tinh được tổ chức ven sông, trong một vườn mít không hiểu nhờ có sự thần kỳ nào, nhiều cây còn nguyên vẹn, lá xanh tươi, cành nung núc những trái non mới thành hình chưa lớn hơn quả na. Trận đánh quyết liệt ở Cửa Việt đã kết thúc, song đại bác của một số đơn vị quân đội Sài Gòn ngoan cố vẫn bắn vu vơ lên vùng giải phóng. Chốc chốc lại một loạt vài ba quả nổ khi gần khi xa. Trong vườn mít, đồng bào mấy thôn lân cận và đại biểu các đơn vị vũ trang xếp hàng ngay ngắn, vẻ mặt ai nấy nghiêm trang. Có ai đó đề nghị, mời bà con ngồi xuống khi nghe nói chuyện. Cũng là một thói quen ở vùng bom đạn, càng thấp sát mặt đất, càng an toàn hơn.

Anh Lê Văn Lương thay mặt Trung ương nói mấy lời vắn tắt chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Anh Lành tiếp lời. Anh nói dài hơn. Tiếng đại bác thỉnh thoảng vẫn nổ rời rạc, không theo bài bản nào, và đồng bào đã quá quen nhiều trận ác liệt hơn, chẳng mấy quan tâm. Riêng tôi trong lòng rất sợ. Lúc này đã tối sẩm. Cứ nghĩ bụng, nếu có một tên gián điệp bằng cách nào đó báo cho quân ngụy rõ địa điểm, và một loạt đại pháo rót đúng mảnh vườn đây, lúc này… Anh Lành vẫn bình tĩnh, từ tốn nói chuyện với giọng Huế trầm. Lâu rồi, anh mới có dịp tuôn ra đầy xúc động cái vốn từ ngữ “mô, tê, răng, rứa” đậm đà trò chuyện với đồng bào.

Sông Bến Hải bên bồi bên lở

Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương

Cách ngăn mười tám năm trường

Khi mô mới được nối đường vô ra?

Bây giờ cầu lại bắc qua

Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình…

*******

Phòng Kế hoạch - Tài chính - Sở GTVT Quảng Trị.