Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 87

Tổng lượt truy cập: 266.646

GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢNG TRỊ THỜI KỲ ĐỔI MỚI (1989 - 2005)

Để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, thể theo nguyện vọng của nhân dân, ngày 14/4/1989, Bộ Chính trị có Quyết định số 87/QĐ-TW chia tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngày 30/6/1989, Quốc hội khoá VIII kỳ họp thứ 5 thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính của tỉnh Bình Trị Thiên. Bình Trị Thiên được chia tách thành ba tỉnh mới: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ngày 01/7/1989, Quảng Trị trở lại với tên gọi cũ của mình và Đông Hà là thị xã tỉnh lỵ.

 

Tỉnh Quảng Trị mới lập lại với bao khó khăn chồng chất, nguồn thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 53,32% tổng chi (9.155 triệu đồng/17.169 triệu đồng), GDP bình quân đầu người chỉ có 317.600 đồng/năm. Hộ đói nghèo xấp xỉ 23%. Thiên tai, lũ lụt thường xuyên xảy ra. Cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh tế - xã hội nghèo nàn, thiếu về số lượng, yếu kém về chất lượng. Nhiều vấn đề gay gắt đặt ra trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

        Mạng lưới giao thông vận tải đường bộ lúc mới lập lại Tỉnh chỉ có 262 km quốc lộ, trong đó: quốc lộ 1: 75 km; quốc lộ 9: 84 km; quốc lộ 14: 60 km; quốc lộ 15: 43 km; 130,5 km tỉnh lộ với 8 tuyến đường: đường tỉnh 7, 70, 75, 11, 71, 64, 68, 8; 358,4 km đường huyện: Đông Hà 28,2 km, thị xã Quảng Trị 6,24 km, huyện Bến Hải 78 km, huyện Hướng Hoá 171 km và hệ thống đường liên thôn; vẫn còn 15 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm. Quốc lộ 15 còn 10 km đang bị tắt nghẽn.

        Mặt đường nhựa mới có 265 km, còn lại gần 486 km mặt đường cấp phối và đất đá nhiều năm chưa được đầu tư nâng cấp. Có 149 cầu/3.941 m với 85 cầu/1.774 m được xây dựng bằng bê tông cốt thép, 64 cầu/2.167 m là cầu bán vĩnh cửu với tải trọng thấp; có 76 km đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Cảng sông Đông Hà với 200 m cầu cảng cho phép sản lượng hàng hoá thông qua 30.000 tấn/năm, đội tàu ra vào cảng 150 - 250 tấn.

        Về phương tiện vận tải hàng hoá: có 847 ô tô các loại, trong đó 178 ô tô chở khách; Tàu vận tải ven biển 400 tấn có 7 cái, dưới 400 tấn có 10 cái, chủ yếu là các tàu vỏ sắt; 117 thuyền vận tải đường sông các loại. Khối lượng vận tải hàng hoá đạt 487.200 tấn/47.619.000 tấn-km; Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 1.004.300 hành khách/28.347.500 hành khách-km.

        Cơ sở vật chất kỹ thuật của mạng lưới giao thông vận tải Quảng Trị còn quá thấp kém, chưa thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng trên địa bàn.

        Việc chia tỉnh cũng đã làm xáo trộn cuộc sống bình thường của cán bộ công nhân viên ngành Giao thông vận tải. Hàng trăm cán bộ công nhân viên (chưa kể người trong gia đình) từ Huế chuyển ra Đông Hà gặp không ít khó khăn, hẫng hụt về nơi ăn ở, học hành của con cái. Trụ sở văn phòng Sở chưa có, phải tạm sử dụng cơ sở của Xí nghiệp Giao thông vận tải Đông Hà làm nơi làm việc.

        Toàn Ngành có khoảng 1.600 lao động thì có đến 620 lao động không bố trí được việc làm. Đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề rất mỏng.

        Mặc dù vậy, hoà chung vào không khí phấn khởi, khí thế của nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Trị quyết tâm xây dựng lại tỉnh nhà. Được sự chỉ đạo và quan tâm của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Bộ Giao thông vận tải, cũng như sự giúp đỡ, phối hợp của các địa phương, các ngành khác và nhân dân trong Tỉnh, cán bộ công nhân viên ngành Giao thông vận tải phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dũng cảm đã được thử thách trong hai cuộc kháng chiến và 14 năm xây dựng sau hợp nhất Bình Trị Thiên, nhanh chóng ổn định cuộc sống, tiến hành ngay nhiệm vụ được giao.

        Nhận thức rõ những khó khăn, thuận lợi cũng như nhiệm vụ nặng nề của Đảng, nhân dân giao phó, yêu cầu bức xúc của giao thông vận tải phải đi trước một bước, lãnh đạo Ngành đã kịp thời xây dựng, triển khai những nhiệm vụ và các giải pháp giải quyết các yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài, vừa tạo cơ sở để Ngành phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đó là:

  • Nhanh chóng kiện toàn hệ thống tổ chức từ Sở đến cơ sở, ổn định cuộc sống cho cán bộ công nhân viên và gia đình từ Huế chuyển ra.

        Ngày 10/7/1989, Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Quyết định số 01/QĐ-UB thành lập Sở Giao thông vận tải Quảng Trị gồm 4 phòng: Tổ chức - Hành chính, Kế hoạch - Quản lý giao thông, Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Kế toán tài vụ. Đồng chí Nguyễn Xuân Hoà và đồng chí Phan Sâm được bổ nhiệm làm quyền giám đốc và phó giám đốc Sở.

Ngày 22/7/1989, Uỷ ban nhân dân Tỉnh có Quyết định số 62/QĐ-UB về việc thành lập các đơn vị hành chính, sự nghiệp và sản xuất kinh doanh trực thuộc Sở gồm:

            1- Công ty Xây dựng công trình giao thông được chuyển đổi từ Công ty Cầu đường 3 thuộc Xí nghiệp Liên hiệp công trình giao thông Bình Trị Thiên.

            2- Công ty Vận tải biển (nguyên là Công ty Vận tải thuỷ Bình Trị Thiên).

            3- Công ty Vận tải ô tô 1-5.

            4- Xí nghiệp Quản lý và sửa chữa đường bộ (nguyên là Xí nghiệp Quản lý và sửa chữa đường bộ 3 Bình Trị Thiên).

            5- Xí nghiệp Khảo sát - Thiết kế giao thông.

            6- Đội Quản lý đường sông.

            7- Trường Đào tạo công nhân lái xe.

            8- Ban Quản lý dự án công trình giao thông.

        Ngoài ra, có 4 xí nghiệp giao thông vận tải trực thuộc uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã là:

            1- Xí nghiệp Quản lý sửa chữa đường bộ Bến Hải.

            2- Xí nghiệp Quản lý sửa chữa đường bộ Triệu Hải.

            3- Xí nghiệp Giao thông vận tải Đông Hà.

            4- Xí nghiệp Giao thông Hướng Hoá.

  • Trên cơ sở kiện toàn tổ chức, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện Quyết định số 176, giải quyết chế độ cho hàng trăm lao động; đồng thời chăm lo phát triển các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.
  • Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị đến năm 2000.
  • Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở giao thông vận tải.
  • Phát động phong trào thi đua lập thành tích hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành.

        Nhờ vậy, ngành Giao thông vận tải Quảng Trị đã đạt được nhiều thành quả, bước đầu phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.