Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 299

Tổng lượt truy cập: 273.683

Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy bộ Quảng Trị

I. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sơ đồ tổ chức của các Phòng, Ban, Đơn vị

1. Vị trí

Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thuỷ bộ Quảng Trị (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Giao thông vận tải Quảng Trị, tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo Quyết định số 540/QĐ-UBND ngày 17/02/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2022-2025 cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Giao thông vận tải. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Địa chỉ:

+ Cơ sở 1 (7401S): 61 Lý Thường Kiệt, Thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị

+ Cơ sở 2 (7402S): Km4+700 Đường Điện Biên Phủ, Thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị

- Cơ quan chủ quản: Sở Giao thông vận tải Quảng Trị

Trung tâm chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Sở Giao thông vận tải; đồng thời chịu sự quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Chức năng

 Trung tâm có chức năng tổ chức thực hiện công tác kiểm định An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; xe máy chuyên dùng; thiết bị xếp dỡ trên phương tiện đường bộ; phương tiện thủy nội địa theo phân cấp quản lý và các nhiệm vụ khác do cơ quan chức năng có thẩm quyền giao.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn

3.1. Nhiệm vụ

a) Quản lý và tổ chức bộ máy

- Xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Trung tâm phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Sở Giao thông vận tải Quảng Trị;

- Tổ chức triển khai, thực hiện các quyết định của cấp có thẩm quyền về quản lý tổ chức bộ máy của Trung tâm;

- Lập hồ sơ xếp hạng, lấy ý kiến cơ quan có liên quan, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định;  

- Lập hồ sơ giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, lấy ý kiến cơ quan có liên quan trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định;

- Chủ trì lập hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng quản lý; dự thảo Quy chế hoạt động và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý trong Trung tâm theo quy định của pháp luật, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

b) Quản lý vị trí việc làm

- Xây dựng đề án vị trí việc làm hoặc đề án điều chỉnh vị trí việc làm trình Hội đồng quản lý thông qua và phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sau khi được Hội đồng quản lý thông qua;

- Bố trí số người làm việc và hợp đồng lao động theo vị trí việc làm đã phê duyệt;

- Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp;

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm đã phê duyệt tổ chức tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức, người lao động và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho viên chức, lao động theo quy định của pháp luật.

c) Tổ chức thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; xe máy chuyên dùng; thiết bị xếp dỡ trên xe ô tô; phương tiện thủy nội địa, bao gồm:

- Đối với công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ:

+ Thực hiện việc kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới theo quy định. Giám đốc Trung tâm, phụ trách dây chuyền, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ thực hiện kiểm định phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định.

+ Công khai trình tự, thủ tục, nội dung, quy trình, tiêu chuẩn, quy định, phí, lệ phí và thời gian làm việc.

+ Thực hiện chế độ lưu trữ, báo cáo theo quy định.

+ Bảo mật tài khoản đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam và cập nhật dữ liệu cảnh báo từ mạng dữ liệu Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định.

+ Truyền dữ liệu kết quả kiểm định, dữ liệu thu phí sử dụng đường bộ về Cơ sở dữ liệu của Chương trình Quản lý kiểm định tại Cục Đăng kiểm Việt Nam tối thiểu mỗi ngày hai lần dưới dạng file nén được giữ nguyên tên file kết xuất từ Chương trình Quản lý kiểm định vào thư mục của đơn vị tại máy chủ của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

+ Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định của cơ quan chức năng. Báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra.

+ Quản lý, cấp phát các loại ấn chỉ, chứng chỉ kiểm định đúng quy định; hủy ấn chỉ hỏng theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

+ Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì độ chính xác, tình trạng hoạt động của thiết bị, dụng cụ kiểm định theo quy định, ghi chép đầy đủ vào Sổ quản lý thiết bị theo mẫu quy định. Báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải địa phương khi thiết bị, dây chuyền kiểm định ngừng hoạt động.

+ Sử dụng phần mềm quản lý kiểm định, phần mềm điều khiển thiết bị theo đúng phiên bản do Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố.

+ Quản lý, giám sát hoạt động kiểm định tại đơn vị.

+ Thực hiện việc tiếp nhận đăng ký kiểm định (qua điện thoại, trang thông tin điện tử) cho xe cơ giới khi chủ xe có nhu cầu.

+ Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn hàng năm và dài hạn cho đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ trong đơn vị để đảm bảo và nâng cao trình độ kiểm định xe cơ giới.

+ Cung cấp chính xác các thông tin liên quan đến phương tiện trong quá trình thực hiện kiểm định cho các đơn vị đăng kiểm khác khi có yêu cầu.

+ Chịu trách nhiệm về việc gửi và cập nhật các Giấy tờ liên quan đến thay đổi thông tin hành chính, thông số kỹ thuật của xe cơ giới theo quy định.

+ Thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, đăng kiểm viên và nhân viên, chống tiêu cực trong hoạt động kiểm định của đơn vị; nhắc nhở chủ xe không để tiền, đồ vật có giá trị trên xe khi vào kiểm định.

+ Kiểm kê, xác nhận vào Phiếu cấp phát ấn chỉ và gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ấn chỉ kiểm định từ Cục Đăng kiểm Việt Nam.

+ Thực hiện xác minh sự phù hợp trên cơ sở dữ liệu về đăng ký xe hoặc cơ quan đăng ký xe đối với xe cơ giới thanh lý.

- Đối với công tác kiểm định xe máy chuyên dùng, thiết bị xếp dỡ gắn trên xe ô tô:

+ Thực hiện việc kiểm tra và cấp Giấy Chứng nhận an toàn cho Xe máy chuyên dùng theo quy định. Giám đốc Trung tâm và người trc tiếp thực hiện kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.

+ Phân công Đăng kiểm viên đã được tập huấn nghiệp vụ và được Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bổ nhiệm theo quy định thực hiện việc kiểm tra Xe máy chuyên dùng.

+ Công khai trình tự, thủ tục, nội dung, quy trình, tiêu chuẩn, quy định, phí, lệ phí và thời gian làm việc; Sử dụng Chương trình phần mềm Quản lý xe máy chuyên dùng để đánh giá kết quả kiểm tra và in Giấy Chứng nhận an toàn kỹ thuật, Tem kiểm tra.

+ Quản lý sử dụng ấn chỉ, thực hiện chế độ lưu trữ, báo cáo, truyền số liệu theo quy định, chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng.

+ Quản lý, giám sát hoạt động kiểm tra, thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên, chống tiêu cực trong hoạt động kiểm tra của đơn vị.

+ Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì độ chính xác, tình trạng hoạt động của thiết bị, dụng cụ kiểm tra theo quy định.

- Đối với công tác kiểm tra phương tiện thủy nội địa: Thực hiện theo Quyết định số 356/QĐ-SGTVT ngày 05/03/2018 của Sở GTVT Quảng Trị về việc giao nhiệm vụ kiểm tra an toàn kỹ thuật, quản lý hoạt động cầu phao dân sinh ngang sông, nhà hàng nổi dạng bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

d) Quản lý tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để không ngừng nâng cao chất lượng công tác kiểm định đối với phương tiện cơ giới đường bộ;

- Thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn về kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức thu giá dịch vụ, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động kiểm định xe cơ giới, các khoản thu khác (nếu có) và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo đúng quy định của pháp luật;

- Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị được cơ quan có thẩm quyền giao đầu tư nhằm duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả chất lượng công tác kiểm định;

- Báo cáo quyết toán thu, chi hoạt động tài chính hàng năm theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước.

đ) Thực hiện công tác cải cách hành chính:

- Niêm yết công khai tại phòng chờ, xưởng kiểm định các nội dung về quy trình, nội dung kiểm định; biểu mức thu giá, phí, lệ phí, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam và nội dung các thông báo khác theo quy định;

- Tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác đăng kiểm;

- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên của Trung tâm;

- Duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015;

- Thực hiện chế độ thông tin định kỳ hoặc đột xuất; thống kê, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả công tác hàng năm của Trung tâm theo quy định của pháp luật.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục Đăng kiểm Việt Nam, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3.2. Quyền hạn

a) Được quyền từ chối kiểm định đối với xe cơ giới khi có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.

b) Thu hồi Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Tem kiểm định theo quy định của cơ quan Nhà nước.

c) Đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý các hành vi cản trở hoạt động của Trung tâm.

d) Thực hiện quyền tự chủ về tài chính và những quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

đ) Quyết định về việc tuyển dụng, vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức; khen thưởng, kỷ luật; bổ nhiệm, miễn nhiệm kế toán trưởng và từ cấp trưởng phòng trở xuống; luân chuyển cán bộ trong nội bộ Trung tâm theo quy định của pháp luật.

4. Sơ đồ  và Cơ cấu tổ chức

4.1. Sơ đồ bộ máy tổ chức quản lý điều hành

4.2. Cơ cấu tổ chức

4.2.1 Ban giám đốc

Trung tâm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.

a) Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm; chịu trách nhim trước Giám đốc Sở Giao thông vận tải và trước Pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Sở Giao thông vận tải theo quy định;

b) Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp Giám đốc Trung tâm chỉ đạo một số mặt công tác; chịu trách nhim trước Giám đốc Trung tâm và trước Pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc Trung tâm vắng mặt thì Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành mi hoạt động của Trung tâm;

c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc của Trung tâm được thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

4.2.2. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ

a) Phòng Tổ chức hành chính

b) Phòng Kế toán nghiệp vụ

c) Phòng Đăng kiểm

II. Thông tin lãnh đạo đơn vị

STT

Họ và tên

Chức vụ

Số điện thoại

1

Nguyễn Xuân Hà

Giám đốc

0913.485.727

2

Trần Việt Hùng

Phó Giám đốc

0914.127.246