Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 158

Tổng lượt truy cập: 269.273

Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại!

Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại!

Tai nạn giao thông đã và đang trở thành nỗi đau của nhiều gia đình và toàn xã hội. Mỗi năm, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng chục ngàn vụ tai nạn giao thông, để lại hậu quả vô cùng to lớn về người và tài sản không thể bù đắp được. Tai nạn giao thông khiến nhiều gia đình mất đi người thân, vợ mất chồng, con mất mẹ, anh mất em…, người may mắn sống sót cũng tàn phế suốt đời, sống như đã chết và khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa… Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại" là thông điệp hướng tới Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông do Liên Hiệp Quốc phát động.

 

Ngôi nhà của em Lê Văn Hiếu, ở thôn Tân Trúc, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ trở nên trống vắng và lạnh lẽo khi cả bố và mẹ đều qua đời trong  năm 2017. Trước khi tai họa do TNGT ập đến, bố của Hiếu làm công nhân xây dựng, mẹ làm nông nghiệp. Gia đình Hiếu có 3 anh em, Hiếu là con cả trong gia đình. Cuộc sống tuy không được khấm khá nhưng hạnh phúc, mấy anh em Hiếu đều được bố mẹ vỗ về, chăm lo từ giấc ngũ, bữa ăn, ngày ngày được cắp sách đến trường, hạnh phúc vui đùa cùng thầy cô, bạn bè. Tuổi thơ trong trẻo của Hiếu bổng lụi tắt trong một ngày buồn đầu năm 2017. Bố Hiếu trên đi làm về gần đến nhà thì xảy ra tai nạn, dẫn đến tử vong. Mẹ Hiếu đang mang trong mình căn bệnh nan y, do quá đau buồn dẫn đến kiệt sức và mất sau đó vài tháng. Những tháng ngày qua, Hiếu phải thay bố mẹ chăm em. Bố mẹ mất, gia cảnh quá khó khăn Hiếu phải nghỉ học, hai đứa em phải nhờ ông ngoại mới có thể đến trường nhưng ông ngoại đã ngoài bảy mươi tuổi, sức yếu chỉ lo cho cháu được ngày nào hay ngày đó. TNGT đã khiến tương lai của mấy anh em Hiếu ngày càng mờ mịt…

Cũng vì TNGT khiến gia đình chị Lê Thị Huệ, ở thôn Hậu Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng rơi vào hoàn cảnh vợ mất chồng, con mồ côi cha, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Ngày trưa đầu mùa Hè năm 2016, chồng chị Huệ mới rời khỏi nhà chừng hơn 10 phút thì chị nhận hung tin chồng chị bị TNGT cách nhà chừng 1 cây số và đã tử vong. Chị Huệ bị bệnh, không thể làm việc nặng, chồng chị Huệ là trụ cột trong gia đình. Chồng chị Huệ làm nghề thợ hồ, tiền công hàng ngày của chồng chị là nguồn thu nhập chính để trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình. Từ khi chồng mất, tinh thần chị Huệ ngày càng đi xuống, bệnh tật ngày mỗi nặng thêm. Hai đứa con chị Huệ rơi vào cảnh mồ côi cha, một đứa phải dừng lại việc học hành…

Cũng là nạn nhân của TNGT nhưng Trần Đức Thái Vương, 22 tuổi, ở thôn Nam Hùng, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ may mắn không tử vong nhưng mang theo di chứng tàn tật suốt đời. Sau vụ tai nạn xảy ra cách đây mấy năm, Vương bị chấn thương sọ não, dẫn đến tâm thần, ngày ngày đi lang thang mọi ngõ ngách trong thôn xóm như người không hồn. Những khi thay đổi thời tiết, Vương kêu la đau đớn rồi đập phá những vật dụng xung quanh, thậm chí những người đứng gần mình. Bố mẹ Vương nhìn con rồi ngữa mặt lên trời với hai dòng nước mắt tuôn trào mà than thân, trách phận!

Những trường hợp kể trên đều có chung hoàn cảnh người gây ra tai nạn cho họ là những người không tuân thủ luật pháp về ATGT, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông và đã gây ra những vụ tai nạn đau lòng, để lại hậu quả đau đớn về thể xác, tâm hồn cho nạn nhân và người thân của họ mà không thể có gì bù đắp được.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 10 tháng đầu năm 2017, tại Việt Nam có 6.827 người chết và 11.785 người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT). Riêng tại Quảng Trị, trong 9 tháng đầu năm 2017, TNGT đã cướp đi sinh mạng của  82 người, làm 143 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hàng chục tỉ đồng. Nguyên nhân của các vụ TNGT ở Quảng Trị hầu hết do lỗi của người điều khiển phương tiện, trong đó có nhiều trường hợp do sử dụng rượu, bia dẫn đến đi sai phần đường, không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát, không nhường đường dẫn đến những tai nạn thương tâm.

Theo Ban ATGT tỉnh, hàng năm Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên có văn bản chỉ đạo gắt gao về thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT và Ban ATGT cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương tổ chức thực hiện như đẩy mạnh tuyền tuyền trong mội lứa tuổi, đối tương, vùng miền; tuần tra, kiểm soát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi pham; hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý các điểm bất cập trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn nhưng tình hình TNGT vẫn chưa có những chuyển biến theo hướng tích cực. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân chưa cao, cá biệt có nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm...  

Đã đến lúc mỗi người dân cần phải nhận thức sâu sắc về hậu quả do TNGT gây ra, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của giống nòi, tiến trình đi lên của đất nước Việt Nam. Mỗi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Mỗi gia đình, nhà trường cần giáo dục con em chúng ta từ khi còn bé về ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông, để niềm vui, hạnh phúc tiếp tục ở lại với mọi người, mọi nhà!

                                                  Bài, ảnh: LÊ MINH

Chú thích ảnh: Lê Minh - 7368: Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân tử vong do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Quảng Trị

Lê Minh - 3413: Lễ phát động Năm ATGT 2017