Chi tiết bài viết - Sở giao thông Vận tải

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 60

Tổng lượt truy cập: 272.075

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến, các thủ tục hành chính thuận tiện, nhanh chóng không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn giúp các cơ quan nhà nước giải quyết công việc một cách nhanh chóng, khoa học; tăng tính minh bạch, công khai và nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tránh sự phiền hà, nhũng nhiễu của công chức thực thi công vụ và qua đó góp phần tích cực trong việc cải thiện các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI của địa phương.

" Một số giải pháp nâng cao chất lượng các dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Sở GTVT Quảng Trị".

Sở Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt đô thị; an toàn giao thông; quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông đô thị, gồm: cầu đường bộ, cầu vượt, hè phố, đường phố, dải phân cách, hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, đèn tín hiệu điều khiển giao thông, hầm dành cho người đi bộ, hầm cơ giới đường bộ, cầu dành cho người đi bộ, bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn. Với chức năng, nhiệm vụ trên, Sở Giao thông vận tải có mối quan hệ chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp và cá nhân. Việc hoàn thành nhiệm vụ của Sở Giao thông vận tải trong đó có việc cung cấp các dịch vụ công, thực hiện các thủ tục hành chính sẽ có tác động tích cực đến kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị liên quan. Nhận thức được điều này nên trong những năm qua Sở Giao thông vận tải luôn xác định việc đổi mới phương thức làm việc, tích cực thực hiện CCHC, cải tiến, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, cải thiện các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phấn đấu thực hiện.

1. Thực trạng việc cung cấp các dịch vụ công và thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Giao thông vận tải

Xác định nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) trong đó có cải cách các thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công (DVC), đáp ứng được sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Trong những năm qua, Sở Giao thông vận tải luôn phấn đấu, nỗ lực thực hiện và kết quả xếp hạng về cải cách hành chính luôn giữ ở vị trí tốp đầu các sở, ngành. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của tập thể Lãnh đạo Sở, người đứng đầu và bộ phận chuyên môn tham mưu của cơ quan Sở Giao thông về công tác CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC.

Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các Phòng, Ban, Đơn vị tăng cường trách nhiệm trong cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc, có chất lượng công tác rà soát các quy định, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý. Kịp thời cập nhật, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên trang thông tin điện tử của sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; thực hiện nghiêm quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Phối hợp với Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của cán bộ tại bộ phận tiếp nhận của sở, nhất là trách nhiệm của công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Tăng cường số lượng các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Niêm yết công khai, minh bạch bộ thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực. Kịp thời bổ sung nhân sự làm việc tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông vận tải là 145 thủ tục (trong đó: 50 DVCTT toàn trình, 68 DVCTT một phần đạt tỷ lệ 81,4%) các TTHC đều được công khai trên CSDL quốc gia về TTHC và trang dịch vụ công của tỉnh. Theo thống kê từ 15/11/2021 đến 14/10/2023, Sở Giao thông vận tải đã tiếp nhận 20.208  hồ sơ, trong đó: 8.111 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (đạt tỷ lệ 40,1%); 11.864 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp và bưu chính; Đã giải quyết: 19.590 hồ sơ, trong đó: Trả trước hạn: 19.123 hồ sơ (đạt 97,6%); trả đúng hạn: 451 hồ sơ (2,3%); Tỷ lệ số hóa hồ sơ khi tiếp nhận đạt 91% (18.396/19.975 hồ sơ); Tỷ lệ số hóa hồ sơ khi trả kết quả đạt 92,14% (18.050/19.590 hồ sơ).

Đối với DVC “Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp” được xác định là một trong 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ có số lượng, tỷ trọng hồ sơ nhiều nhất trong các DVC của Sở, liên quan đến nhiều quy định của Bộ GTVT. Trong năm 2023, Sở Giao thông vận tải đã tích cực xin ý kiến chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam; tổ chức cuộc họp với các cơ quan liên quan gồm: Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm PV HCC tỉnh để tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy khám sức khỏe điện tử phục vụ đổi GPLX theo hình thức trực tuyến toàn trình cho người dân. Qua đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh công bố bổ sung DVC “Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp” là DVC trực tuyến toàn trình; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh hoàn thành nâng cấp, tích hợp DVC “Đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp” lên mức độ toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia. Phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải cập nhật Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị vào danh mục các tỉnh thành đã triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với TTHC “Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông Vận tải cấp” trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời phối hợp với Viễn thông Quảng Trị cấu hình trên Cổng dịch vụ công tỉnh để người dân có thể nộp được hồ sơ trực tuyến toàn trình đối với TTHC “Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp” trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải. Để triển khai thực hiện tốt DVC “Đổi Giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp” theo hình thức trực tuyến toàn trình, Sở Giao thông vận tải đã thành lập Tổ công tác triển khai hướng dẫn thực hiện Dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia nhằm hướng dẫn, hỗ trợ công dân đăng ký tài khoản, thực hiện đổi giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến toàn trình trên cổng dịch vụ công quốc gia, hướng dẫn công dân đối soát dữ liệu sức khỏe điện tử, kiểm tra vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, hướng dẫn công dân làm thủ tục thanh toán trên cổng dịch vụ công và đăng ký chuyển phát giấy phép lái xe về nhà qua dịch vụ bưu chính công ích. Tính đến ngày 20/10/2023 Sở Giao thông vận tải đã tiếp nhận và xử lý được 20 hồ sơ “Đổi Giấy phép lái xe do Bộ GTVT cấp” theo hình thức trực tuyến toàn trình.

Lãnh đạo Sở thường xuyên chỉ đạo các Phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tích cực tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền cải cách hành chính, với nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đảm bảo thống nhất cao trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, công chức về các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp cải cách hành chính, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở. Hình thức tuyên truyền: Thông tin, tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của Sở và website các đơn vị. Tuyên truyền thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ, Hội nghị CBCCVC của cơ quan, đơn vị, lồng ghép nội dung cải cách hành chính với các Hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Tuyên truyền thông qua hình thức trực quan: pa nô, áp phích, khẩu hiệu, băng rôn tại trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc Sở; tổ chức cuộc thi tìm hiểu nội bộ về CCHC, chuyển đổi số…

Song song với công tác tuyên truyền Cải cách hành chính, công tác kiểm tra công tác CCHC cũng được Lãnh đạo Sở quan tâm, chú trọng thực hiện. Năm 2022, Sở đã tiến hành kiểm tra Công tác CCHC đối với 06 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở; Năm 2023 đã kiểm tra 04 Phòng chuyên môn thuộc Sở. Sau khi kiểm tra, Sở Giao thông vận tải đã ban hành các kết luận kiểm tra và đề nghị các Phòng, Ban, Đơn vị được kiểm tra khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong quá trình kiểm tra. Qua công tác kiểm tra công tác CCHC tại các Phòng, Ban, Đơn vị đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời góp phần đẩy mạnh công tác CCHC, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công của Ngành đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Công tác tìm kiếm các sáng kiến, giải phóng trong thực hiện nhiệm vụ cũng được Lãnh đạo Sở quan tâm. Năm 2022, Hội đồng công nhận sáng kiến của Sở đã công nhận 09 sáng kiến trong công tác cải cách hành chính, công nhận 16 sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ. Năm 2023, các Phòng, Ban, Đơn vị đã đăng ký 40 sáng kiến, ý tưởng mới hiện đang trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận về công tác triển khai, thực hiện các dịch vụ công trong giải quyết các TTHC thuộc thầm quyền; qua triển khai thực hiện trong thời gian qua, Lãnh đạo Sở nhận thấy vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, cần chỉ ra để việc cung cấp dịch vụ công trong giải quyết TTHC tại Sở Giao thông vận tải ngày một tốt hơn, đó là:

- Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận theo hình thức trực tuyến còn chưa đáp ứng yêu cầu, theo số liệu thống kê hiện nay mới đạt 40,1% trên tổng hồ sơ tiếp nhận.

- Vẫn còn xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hạn (tính từ 15/11/2021 đến 14/10/2023 có 16 hồ sơ trễ hạn/19.590 hồ sơ đã giải quyết, chiếm tỷ lệ 0,08%).

- Công tác tổ chức hỗ trợ người sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền đôi khi chưa kịp thời, cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC đôi khi còn thực hiện máy móc, thực hiện theo nguyên tắc, cứng nhắc, mặc dù được đa số người dân, doanh nghiệp đánh giá cao nhưng vẫn còn chưa đáp ứng tuyệt đối sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

- Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ “Đổi Giấy phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải cấp” theo hình thức trực tuyến toàn trình đạt tỷ lệ chưa cao.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Về phía tổ chức, cá nhân tham gia nộp hồ sơ TTHC: Những hồ sơ TTHC nộp trực tiếp đều do cá nhân ngại khó khăn trong việc đăng ký hồ sơ trực tuyến; năng lực ứng dụng CNTT có phần hạn chế nhất định.

+ Về phía công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC: Định biên, biên chế của Sở GTVT hiện nay còn quá thấp so với mặt bằng của các Sở, ngành và Sở GTVT các tỉnh bạn trong lúc số lượng TTHC của Sở GTVT thuộc nhóm nhiều nhất ở Trung tâm Dịch vụ hành chính công. Công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết TTHC đều là kiêm nhiệm, còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác được giao nên đôi khi kiểm tra thực hiện việc tiếp nhận chưa kịp thời. Áp lực khối lượng hồ sơ lớn nên việc giải quyết hồ sơ TTHC đôi khi còn thiếu mềm dẻo, thực hiện theo nguyên tắc nên chưa đáp ứng được tối đai sự hài lòng của tổ chức, cá nhân.

- Nguyên nhân khách quan: Các cơ sở khám chữa bệnh chưa kịp thời đăng tải Giấy khám sức khỏe điện tử lên cơ sở dữ liệu dùng chung, thời gian đăng tải đến khi thực hiện DVC còn khá dài gây khó khăn cho người dân khi thực hiện DVC toàn trình cấp đổi Giấy phép lái xe do Bộ Giao thông vận tải cấp.

4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng các dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải

Để nâng cao chất lượng các dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh; Sở Giao thông vận tải đề xuất một số giải pháp như sau:

- Thứ nhất là Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong công tác cải cách hành chính:

+ Nêu cao vai trò, trách nhiệm của BTV Đảng ủy Sở, Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo các Phòng, Ban, Đơn vị thuộc Sở trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của Sở và của tỉnh. Kịp thời kiện toàn Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Sở phù hợp với tình hình thực tế.

+ Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành về các nhiệm vụ và giải pháp của công tác cải cách hành chính. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: Đăng tải các thông tin về cải cách hành chính lên trang Web Sở, trang fanpage của các tổ chức đoàn thể của Sở …

+ Tăng cường và duy trì công tác kiểm tra để kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác Cải cách hành chính đảm bảo công tác cải cách hành chính được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.

+ Gắn kết quả thực hiện các TTHC, cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI với công tác thi đua, khen thưởng của các Phòng, Ban, Đơn vị.

+ Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức cho cán bộ làm công tác tham mưu về Cải cách hành chính của Sở. Chủ động nguồn kinh phí để bố trí thực hiện các nhiệm vụ của cải cách hành chính.

 - Thứ hai là bám sát nội dung, chỉ đạo, kế hoạch, chỉ thị của cấp trên về công tác CCHC cũng như thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ động xây dựng Chương trình, kế hoạch, đề án…và ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ kịp thời, nhanh chóng, sát với thực tế. Tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi và thực hiện công tác báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đúng thời gian quy định.

- Thứ ba là triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Kiểm soát, cập nhật, bổ sung kịp thời việc ban hành các TTHC mới. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các tục hành chính, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện tốt việc công bố, công khai các quy trình, TTHC áp. Tuyên truyền và nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính của Sở. Tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, có chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

- Thứ tư là con người thực hiện nhiệm vụ: Thường xuyên rà soát, áp dụng, cải tiếp hệ thống quản lý chất lượng ISO trong cung ứng dịch vụ hành chính công, tạo ra một hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ công chức, đánh giá chất lượng của hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công cho các tổ chức và công dân. Thực hiện việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức có đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn cao, nâng cao chất lượng, năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức; có chính sách và chế độ khen thưởng xứng đáng với những cá nhân làm tốt, HTXS nhiệm vụ; kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn và xem xét điều chuyển, kỷ luật đối với cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, có thái độ tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Thứ năm là chủ động Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành. Chú trọng việc xử lý công việc, công tác báo cáo và giải quyết công việc chuyên môn cũng như TTHC được thực hiện trên môi trường mạng qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết công việc trong hoạt động của các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở. Khai thác có hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tổ chức tuyên truyền, linh hoạt trong việc vận động người dân sử thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện các TTHC có phát sinh phí, lệ phí và sử dụng dịch vụ Bưu chính công ích để đỡ tốn thời gian, công sức khi thực hiện TTHC. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền cung cấp đầy đủ, đa dạng và nâng cao chất lượng các kênh tương tác, hỗ trợ người dân trong đó, cần thiết lập ngay đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo luôn có người trực đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ kỹ thuật tối thiểu trong thời gian hành chính để hỗ trợ, giải đáp các câu hỏi của người dùng; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị di động bảo đảm thuận tiện cho người dân truy cập, sử dụng.

Việc thực hiện nâng cao chất lượng cung cấp DVC giải quyết TTHC ngoài thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì rất cần sự tháo gỡ các vướng mắc, quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành. Hướng đến thực hiện dịch vụ công trực tuyến, các thủ tục hành chính thuận tiện, nhanh chóng; góp phần giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; hiệu quả thực hiện QLNN; tăng tính minh bạch, công khai và nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức qua đó góp phần tích cực trong việc cải thiện các chỉ số PCI, PARINDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh nhà.